BVR&MT – Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới WB, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thay nhận thức và hành vi về vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Đây được coi là giải pháp hiệu quả nhất và cũng chi phí ít nhất trong công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2020, xã Mường Lai, huyện Lục Yên được công nhận đạt Vệ sinh toàn xã. Ông Triệu Văn Huấn – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trước đây, với 97% là DTTS sinh sống, việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) trong nhân dân từng gặp nhiều khó khăn. Từ khi Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” triển khai trên địa bàn xã hỗ trợ thực hiện hợp phần vệ sinh, xã Mường Lai đã có sự thay đổi tích cực”.
Nhiều công trình nhà vệ sinh được hỗ trợ xây dựng, cải tạo; thông qua các hoạt động truyền thông bài bản, người dân đã biết cách bảo quản, sử dụng nhà vệ sinh, thực hành rửa tay bằng xà phòng đúng cách. Đến nay, 72,3% hộ gia đình có nhà tiêu HVS; 93% hộ gia đình có điểm rửa tay; 100% trường học, trạm y tế có công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Mường Lai là 1 trong 26 xã được công nhận Vệ sinh toàn xã năm 2020, nâng tổng số xã đạt vệ sinh toàn xã trên địa bàn tỉnh lên 50 xã.
Hỗ trợ giúp các xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã là một trong những mục tiêu mà hợp phần vệ sinh mà Chương trình hướng tới thực hiện. Để thực hiện mục tiêu này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được giao chủ đầu tư đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực với cách tiếp cận mới, tăng cường cộng tác giữa đầu tư vệ sinh và xúc tiến vệ sinh, huy động sự vào cuộc đồng bộ từ cấp tỉnh đến tận thôn, bản.
Theo đó, Trung tâm đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hợp phần vệ sinh; tập huấn cho các cán bộ tỉnh, huyện (giảng viên nòng cốt) về truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường; cấp phát gần 50.000 tờ rơi, tranh, ảnh tuyên truyền…
Một trong những hoạt động thiết thực của Chương trình là việc xác định các cửa hàng tiềm năng tại các xã, lựa chọn thành lập mạng lưới chuỗi cung ứng, phát triển cung ứng vật liệu sản phẩm nhà tiêu vệ sinh tại xã, tạo cơ hội cho người dân dễ dàng mua được các sản phẩm nhà tiêu trọn gói, chi phí thấp. Năm 2020, Chương trình đã thu hút 21 cửa hàng tiện ích, 182 thợ xây, 182 cộng tác viên bán hàng tham gia vào chuỗi cung ứng.
Cùng với tuyên truyền có bài bản, tích hợp 3 phần chính trong truyền thông, truyền thông thay đổi hành vi. Tại các xã còn có sự can thiệp nhằm hỗ trợ và nâng cao tỷ lệ nhà tiêu HVS. Năm 2020, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng 1.915 nhà tiêu hộ gia đình; nâng cấp, sửa chữa 37 công trình cấp nước và vệ sinh cho 32 trạm y tế, đã hoàn thiện bàn giao và đưa vào sử dụng…, nâng tỷ lệ số hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà vệ sinh toàn tỉnh lên 72,5%; 77% hộ nông thôn có điểm rửa tay; 100% trường học công lập có công trình nước và nhà tiêu HVS; 98,8% trạm y tế có nước và nhà tiêu HVS. Tổng số vốn thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn năm 2020 là 8,15 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, năm 2021, Chương trình sẽ tiếp tục triển khai can thiệp tại 16 xã, trong đó phấn đấu 6 xã được công nhận vệ sinh toàn xã; hỗ trợ xây dựng, cải tạo 1.860 nhà tiêu hộ gia đình, nâng tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà tiêu HVS năm 2021 lên 73%; xây dựng cải tạo công trình nước, nhà vệ sinh cho 8 trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực.