BVR&MT – Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 689.267ha, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp đến năm 2025 là 487.681ha. Nhờ duy trì hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, nằm trong tốp cao của cả nước.
Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 689.267ha, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp đến năm 2025 là 487.681ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 433.967,4ha (rừng tự nhiên 214.796,9ha; rừng trồng 219.170,5ha); diện tích chưa thành rừng là 42.405,5ha. Hiện, rừng đặc dụng 32.725ha, rừng phòng hộ 141.321ha, rừng sản xuất 313.6353ha. Nhờ duy trì hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, nằm trong tốp cao của cả nước.
Về xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, chúng tôi tìm hiểu thêm về cách bảo vệ rừng bền vững, góp phần giữ nước đầu nguồn, người làm rừng đã thực sự gắn kết và làm giàu từ trồng rừng gỗ lớn. Ngược dốc rồi men theo suối đến Hang Dơi, dọc đường các cây gỗ lớn mọc san sát, nhiệt độ ngoài trời giảm dần khi càng vào sâu trong khe suối, giữa rừng mênh mông.
Dừng bước bên một cây gỗ dổi cỡ 3 người ôm vươn cao lên bầu trời, anh Trần Văn Son tổ trưởng bảo vệ rừng bản Nả cho biết, hiện tổ đang quản lý 457ha rừng phòng hộ đầu nguồn, các loại cây gỗ bản địa như dổi, de, sến, táu nhờ quản lý chặt chẽ nên phát triển tốt. Cách quản lý của tổ là phân chia từng lô, thửa rừng cho 17 thành viên tuần tra theo định kỳ và đột xuất. Từ tiền khoán bảo vệ rừng và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bình quân 300 nghìn đồng/ha/năm, tổ bảo vệ rừng bản Nả hoạt động hiệu quả, bảy năm liên tục không để xảy ra cháy rừng, không có vụ việc nào liên quan đến hủy hoại rừng.
Bác Trần Cao Thắng, 69 tuổi, trú tại bản Nả, xã Việt Hồng đánh giá, mình cả đời sống ở rừng nên rất hiểu giá trị của “Lá phổi xanh”. Trước đây, việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng luôn gặp khó khăn, cán bộ phải đến từng thôn, từng nhà để vận động người dân. Đến nay, không phải vận động nữa mà đã trở thành một nghề, một nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Có rừng, các loại cầy rừng, lợn rừng và chim còn khá phong phú, đặc biệt nước sạch đầu nguồn được gần 500 hộ dân bản Nả, bản Bến, bản Vần trong xã sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Có nước sạch, các ao nuôi cá tầm, cá trắm, cá lăng… được thương lái chọn mua phục vụ các nhà hàng trong khu vực.
Hạt trưởng Kiểm lâm Trấn Yên Đỗ Văn Hùng cho biết, để giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%, Hạt đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân các xã, tiến hành tổ chức Hội nghị thành lập các Ban quản lý rừng cộng đồng dân cư thôn, bản tiến hành ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đối với các cộng đồng dân cư nhận khoán tại các xã. Đến nay, Trấn Yên đã thành lập 45 cộng đồng dân cư thôn bản tại các xã, thực hiện khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ và tự nhiên sản xuất với diện tích hơn 9.371ha, tại 14 xã với 579 thành viên. Cuối năm 2022, Hạt kiểm lâm huyện đã nghiệm thu diện tích rừng tự nhiên khoán bảo vệ 9.359,98ha để thực hiện chi trả khoán bảo vệ rừng đến 44 ban quản lý cộng đồng ở 14 xã, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, góp phần giúp người dân có thu nhập chính đáng từ rừng.
Nhằm quản lý chặt chẽ nguồn giống cây lâm nghiệp, bảo đảm có chất lượng cao, trồng đúng thời vụ, Hạt kiểm lâm huyện Trấn Yên hiện quản lý giống gần 5 vạn cây dổi; hơn 20 triệu cây quế; 43 vạn củ tre măng bát độ, và hơn 55 vạn loài cây lâm nghiệp khác. Trên địa bàn có 20 cơ sở sản xuất kinh doanh đã được cấp giấy phép kinh doanh, còn 491 cơ sở sản xuất là hộ gia đình kinh doanh sản xuất giống cây trồng bán tự do trên thị trường. Qua công tác quản lý từ gốc, đã chủ động nguồn giống, bảo đảm cung ứng ra thị trường chất lượng tốt nhất.
Trồng rừng không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây trồng làm giàu, nhiều gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm không còn là chuyện hiếm. Ở nông thôn miền núi mà cả làng đã có nhà xây hai, ba tầng trở thành hiện thực,ô-tô, xe máy chả kém gì thành phố, con em được đi học không còn vất vả như xưa. Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, chế biến, tàng trữ lâm sản trái phép cơ bản không còn, đã tạo bước chuyển quan trọng trong nhận thức và cách làm của người dân, từ sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội và trở thành một ngành kinh tế quan trọng.
Vốn là công nhân công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Việt Hưng, anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn An Hòa, xã Y Can bằng những kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình công tác, gia đình đã tích cực trồng rừng bằng cây quế, cây keo lai. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài” trồng quế, keo khi cây khép tán tiến hành tỉa thưa và để lại những cây to, khỏe, dáng đẹp, từ những héc-ta rừng đầu tiên, đến nay gia đình đã phát triển được 40ha rừng, trong đó có gần 30ha quế, còn lại là giống keo lai, keo nhập nội.
Anh Chiến cho biết, trồng quế hay keo không khó lắm, nhưng quan trọng nhất là giống phải bảo đảm chất lượng, khi cây được 6 đến 7 năm, là được khai thác rồi nhưng bán gỗ non hiệu quả thấp, chỉ đạt 70-80 triệu đồng/ha sau chu kỳ 8 năm. Nếu tỉa thưa, kinh doanh rừng gỗ lớn, sau 17 năm giá trị kinh tế lớn hơn rất nhiều, có thể gấp đôi, gấp ba. 5ha rừng keo gỗ lớn của gia đình, sau tỉa thưa nay chỉ còn hơn 100 cây/ha, những cây bé nhất sau 17 năm đã đạt vành hơn 150cm, bình quân mỗi cây đạt 1,2m3, đã có người trả 320 triệu đồng/ha tự thu hoạch gia đình chưa bán!
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Kiều Tư Giang đánh giá, việc trồng rừng được Yên Bái tích cực triển khai, hằng năm trồng được hơn 15.000ha rừng các loại, trong đó 94% là rừng sản xuất. Nhờ đó, giai đoạn 2013-2022, diện tích đất có rừng tăng thêm 26.189ha; năng suất, chất lượng rừng đã từng bước được cải thiện theo từng năm, tỷ lệ che phủ của rừng đến nay đạt 63% tăng 11% so với năm 2013. Hằng năm, hàng vạn người dân trong tỉnh có thu nhập hơn 100 tỷ đồng từ hưởng dịch vụ môi trường rừng của hơn 200 nghìn ha rừng đầu nguồn.
Thực hiện chủ trương quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tận gốc. Hàng chục nghìn thôn, bản được Kiểm lâm giúp đỡ xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Yên Bái phấn đấu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng Trung du và miền núi phía bắc.