BVR&MT – Việc trồng quế hữu cơ giúp người dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nâng cao giá trị cây quế, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định và bảo vệ môi trường sống.
Tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, hầu hết người dân sống dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp; nhờ có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây quế mà đời sống của người dân trên địa bàn huyện ngày được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm giàu từ quế.
Đặc biệt hiện nay, người dân Văn Yên không chỉ sản xuất quế truyền thống, mà còn thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị cây quế và bảo vệ môi trường.
Huyện Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế, với diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước. Từ xa xưa cây quế đã được người Dao, huyện Văn Yên trồng, khi đó vỏ quế thu hoạch chủ yếu được các gia đình dùng làm quà biếu cho người thân hoặc bán cho thương lái với giá thấp, vì thế mà chẳng ai coi quế là nguồn thu chính.
Thế nhưng, trong những năm gần đây cây quế trở thành cây trồng chủ lực có giá trị cao, là nguyên liệu quý để sản xuất trong ngành dược liệu, mỹ phẩm, chế biến đồ mỹ nghệ, nên người dân ở Văn Yên ai cũng coi quế là lộc trời ban.
Xã Xuân Ái, huyện Văn Yên là một trong những xã đang xây dựng sản phẩm quế hữu cơ.
Toàn xã có hơn 1.000ha quế, tập trung nhiều tại thôn Đoàn Kết, Ngòi Viễn, hầu hết thu nhập của người dân trong xã đều từ cây quế.
Sở dĩ cây quế có giá trị kinh tế cao bởi nhiều hộ gia đình trồng quế theo hướng an toàn, hữu cơ, nâng cao tỷ lệ lượng tinh dầu quế, hơn nữa cây quế có thể tận dụng bán được từ vỏ đến thân, lá.
Với diện tích 5ha quế trên 10 năm tuổi, từ nhiều năm nay gia đình ông Trần Văn Bàng, thôn Đoàn Kết, xã Xuân Ái đã không còn phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó tiến hành phát cỏ bằng máy.
Ông Bàng chia sẻ, trước đây gia đình ông và các hộ trong thôn vẫn phun thuốc trừ cỏ, bón phân khi quế còn nhỏ để cây quế phát triển nhanh; nhưng vài năm gần đây mọi người đều ý thức được tác hại của thuốc trừ sâu nên nhà nào cũng tự sắm một máy phát cỏ về để phát.
Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn thôn còn rất nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước mạch, nước trên các vách núi, nếu trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ như vậy cũng đảm bảo được nguồn nước không bị ảnh hưởng, môi trường cũng được bảo vệ.
Cũng giống như gia đình ông Bàng, gia đình anh Phạm Văn Bắc, thôn Đoàn Kết đã từ lâu không sử dụng đến thuốc trừ sâu, phân bón.
Toàn bộ diện tích 20ha quế, từ 3-20 năm tuổi anh chỉ phát mỗi cỏ, không cần bón phân tổng hợp; theo anh do đất ở đây tốt nên mỗi khi trồng quế chỉ việc phát sạch cỏ rồi đốt, sau đó tiến hành trồng quế, cây quế cứ thế mà phát triển, một năm chỉ cần phát 2 lần cỏ.
Đối với quá trình khai thác, sau khi bóc quế từ trên đồi về thì phải phơi trên dàn cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu.
Việc sản xuất quế an toàn, hữu cơ sẽ có giá bán ổn định và cao hơn một đến hai giá so với quế thường.
Những năm gần đây, việc trồng quế an toàn, hữu cơ hay còn gọi là làm nông nghiệp xanh đã được đông đảo người dân xã Xuân Ái tham gia.
Việc trồng quế hữu cơ giúp nâng cao giá trị cây quế, tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định và bảo vệ môi trường sống.
Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cho biết, để nâng cao giá trị cây quế Văn Yên có thương hiệu và phát triển bền vững, xã tiếp tục tuyên truyền bà con thay đổi thói quen chăm sóc cây quế bằng phun thuốc cỏ, bón phân sang phát cỏ bằng máy phát và không bón phân các loại, hướng đến xây dựng vùng sản xuất quế an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp, công ty uy tín như Olam Việt Nam, Công ty Sơn Hà, Vicimex… tổ chức ký hợp đồng với người dân thực hiện xây dựng vùng sản xuất quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Huyện Văn Yên hiện có gần 50.000ha diện tích đất trồng quế. Với khí hậu và đất đai phù hợp cây quế sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt hàm lượng tinh dầu cao nên Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên; sản phẩm quế vỏ cũng được Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Văn Yên.
Từ đó uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế Văn Yên được nâng cao, thị trường quế ổn định, giá bán các sản phẩm quế tăng gần gấp 2 lần so với những năm trước.
Theo người dân nơi đây, cây quế trồng từ 4-6 năm bắt đầu cho khai thác tỉa thưa, mỗi năm có 2 vụ khai thác, vụ tháng 3 và vụ tháng 8.
Theo kinh nghiệm của đồng bào người Dao, đây là 2 thời điểm mà quế dễ bóc vỏ, thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển và bảo quản.
Năm nay quế được giá, mỗi 1kg vỏ quế khô có giá từ 60.000-70.000 đồng. Hộ nào khai thác ít cũng được chừng vài trăm triệu đồng, hộ nào nhiều lên vài tỷ đồng/1 lần khai thác.
Nhờ đó mà rất nhiều hộ dân của huyện Văn Yên đã trở thành triệu phú.
Mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế gần 51.000 m3/năm.
Nhiều hộ gia đình người Dao có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng quế, hàng nghìn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế.
Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm trên 700 tỷ đồng. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đà cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Ông Doãn Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Yên cho biết, với giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, huyện tiếp tục duy trì và phát triển vùng quế, đặc biệt mở rộng vùng quế hữu cơ.
Hiện toàn huyện có 200ha quế hữu cơ, để đạt chuẩn quế hữu cơ người dân phải trồng, chăm sóc hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và đa dạng sinh học; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, phân bón tổng hợp…
Đây cũng là cơ hội, động lực giúp người dân Văn Yên nâng cao vị thế cây quế, tạo dựng, nâng tầm thương hiệu quế Văn Yên có chỗ đứng vững chắc và vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục vận động người dân trồng quế theo vùng quy hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với đó, huyện khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương; xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế; tư vấn, hỗ trợ, thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp.