Yên Bái: Lễ mừng cơm mới – tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp độc đáo

BVR&MT – Hãng thông tấn AFP của Pháp đã mô tả ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là “những thửa ruộng bậc thang ngoạn mục”. Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, những thửa ruộng ấy do người Mông nơi đây tạo nên và chủ yếu do họ canh tác.

Lễ cúng cơm mới được thực hiện tại gian giữa nhà. (Ảnh Internet)

Điều này lý giải tại sao người Mông coi trọng tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp, là một trong bốn tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của họ. Và lễ mừng cơm mới là một trong số nghi lễ quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa của người Mông ở Mù Cang Chải.

Theo quan niệm của người Mông, vạn vật là hữu linh. Vì vậy, họ luôn tin rằng các cánh rừng, mảnh nương, dòng sông, con suối đều có thần linh ngự trị. Do đó, những nghi lễ nông nghiệp gắn với chu kỳ cây trồng đặc biệt quan trọng trong đời sống của họ. Khi những vạt lúa nương chuyển sang đỏ đuôi, báo hiệu mùa thu hoạch đã tới là thời gian các gia đình trong bản chuẩn bị tổ chức lễ mừng cơm mới.

Theo những người Mông cao niên ở các bản làng Mù Cang Chải, lễ mừng cơm mới từ lâu đã là một nghi lễ quan trọng để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã ban cho gia đình có vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mới gặp nhiều may mắn, cả năm no đủ. Vì là dịp lễ quan trọng nên các thành viên trong gia đình luôn tề tựu đầy đủ bên mâm cỗ để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và trời đất.

Ngày tổ chức lễ cúng cơm mới được chọn là ngày đẹp. Đối với người Mông ở Mù Cang Chải, gạo mới mang về, tất cả mọi người trong gia đình đều không được ăn trước tổ tiên, đặc biệt là chủ gia đình. Chỉ khi làm lễ cúng tổ tiên xong, người chủ gia đình mới được ăn cơm mới, đó có thể coi là cách người Mông thể hiện sự thành kính với tổ tiên, trời đất.

Lễ vật dâng cúng thường là các món ăn chế biến từ lợn, gà và đặc biệt là phải có cơm được nấu từ gạo mới thu hoạch. Người trực tiếp thực hành các nghi lễ cúng tế là ông chủ nhà. Ngày làm lễ, những người phụ nữ đảm nhận việc nấu cơm, còn đàn ông sẽ lo việc chế biến các món ăn.

Điều đặc biệt khi chế biến các con vật hiến tế phải được làm tại nơi linh thiêng là khu vực ban thờ của gia đình. Khi công việc chuẩn bị hoàn tất, mâm cúng tổ tiên được bày giữa nhà, bàn thờ Xử Cang được dọn ra. Lễ vật gồm một nồi cơm gạo mới, một bát thịt lợn, một bát canh và hai chén rượu.

Trong nồi cơm mới, đồng bào cắm rất nhiều chiếc thìa ăn cơm nhỏ, theo quan niệm mỗi chiếc thìa tương ứng với một người đã qua đời của gia đình. Hương được cắm vào nơi thờ các thần bảo hộ như bàn thờ Xử Cang (thần tài bảo hộ gia đình), thần cột nhà (Zề T’lăng), thần bếp lò (T’đăng khó chùz), thần cửa (T’đăng khó trồng) bao gồm cả thần cửa chính và hai thần cửa phụ. Chủ nhà bắt đầu cầu khấn, cảm ơn tổ tiên, đất trời đã cho một mùa vàng bội thu.

Vừa cầu khấn ông vừa dùng thìa xúc cơm, canh, các thức ăn có trên mâm cỗ, mỗi thứ một ít đổ ra bàn, chắt một ít rượu với ý nghĩa tượng trưng ông bà, tổ tiên về chứng giám và cùng ăn cơm mới với gia đình.

Kết thúc nghi lễ, gia chủ cầm thìa cơm và đứng trước cửa chính để mời thần núi, thần nước về ăn cùng. Sau đó, người cúng lễ quay về ngồi bên mâm cúng và ăn mấy thìa cơm, có nghĩa là cùng ăn với tổ tiên cho vui. Trong lễ mừng cơm mới, nghi thức thăm chân gà được coi là một nghi thức quan trọng.

Người Mông cho rằng việc xem chân gà trong lễ mừng cơm mới sẽ dự đoán được vụ mùa trong năm mới của gia chủ. Để thực hiện nghi thức này, chủ nhà phải có lời nhờ một cụ cao tuổi nhất trong mâm rượu xem giúp rồi cùng cầu khấn các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia đình sẽ có một mùa màng tươi tốt.

Sau các nghi lễ, mâm cơm khách được dọn ra, mọi người ăn uống vui vẻ cùng gia chủ. Vị trí ngồi ăn ở từng mâm cũng được quy định rõ ràng: thầy cúng, chủ nhà cùng các cụ cao niên ngồi ăn tại mâm cơm cúng cửa ma; khách quý được ngồi ăn tại mâm cơm cúng ngoài trời; các mâm tiếp theo được dành để mời anh em họ hàng, bà con trong bản.

Điều đặc biệt ở đây là xôi và cơm được nấu từ gạo mới để chuẩn bị cho lễ cúng, khi ăn nếu nhà ai chưa làm lễ mừng cơm mới thì xin phép gia chủ chỉ ăn cơm nấu từ gạo cũ của năm trước bởi họ quan niệm rằng không bao giờ được phép ăn cơm mới của nhà khác trước khi nhà mình làm lễ cúng cơm mới. Họ tin rằng nếu ăn cơm mới của gia đình khác thì gia đình mình năm sau sẽ mất mùa.

Chỉ sau lễ mừng cơm mới, người Mông mới được ăn gạo mới. Đây là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Mông Mù Cang Chải và thể hiện nét văn hóa độc đáo, đạo lý làm người, hướng về cội nguồn tổ tiên, trời đất.

Lễ mừng cơm mới kết thúc trong sự vui vẻ đón tiếp của gia chủ bữa cơm và tình cảm giữa anh em họ hàng, tình cảm láng giềng bà con trong bản. Lễ mừng cơm mới không chỉ có ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất; là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng, ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mùa màng bội thu của những con người nơi rẻo cao này.