BVR&MT – Mặc dù đã được giao 95 ha diện tích rừng đầu nguồn tại thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn, Yên Bái) để đầu tư làm dự án nuôi cá tầm, nhưng do công tác quản lý lỏng lẻo từ phía doanh nghiệp nên một số đối tượng vì cái lợi trước mắt vẫn lén lút chặt hạ rừng bán cho xưởng gỗ khiến cho những người dân quyết tâm giữ rừng nơi đây vô cùng xót xa và bức xúc.
[Video clip] Phá rừng đầu nguồn tại thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn, Yên Bái)
Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái được coi là “thủ phủ” của những trận lũ quét, lũ ống gây ra sạt lở đất, nhiều người chết và bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và vùi lấp, một trong những nguyên nhân đó là do phá rừng. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về hiểm họa này nhưng tình trạng phá rừng đầu nguồn vẫn diễn ra. Nguyên nhân được cho là do người dân địa phương phá và cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm, còn đơn vị được giao thì bỏ mặc rừng (!?)
Qua tìm hiểu, Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường được một số người dân thôn Noong Tài, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn – Yên Bái) cho biết có tất cả 400ha rừng đầu nguồn. Trong đó Công ty Cá tầm Phương Bắc T&T quản lý khoảng 95ha. Sau đó, năm 2015 Công ty T&T giải thể thì khu cá tầm đó chuyển sang cho Công ty Quang Thịnh quản lý. Hiện nay Quang Thịnh chịu trách nhiệm quản lý cả 95ha của Công ty T&T để lại nhưng công ty này chưa có một lần nào tiếp xúc với bà con để giải quyết các vấn đề về hợp đồng và đền bù.
Để bảo vệ những cánh rừng này, Hạt Kiểm lâm và xã Thượng Bằng La đã thành lập hai tổ bảo vệ. Một đội do Hạt kiểm lâm tổ chức chịu trách nhiệm bảo vệ 400ha. Bên cạnh đó có một đội quản lý của thôn Noong Tài do trưởng thôn quản lý. Đội này mặc dù là dân bản địa nhưng lại không có quyền xử phạt, xử lý trong phạm vi 95ha đất rừng do Quang Thịnh quản lý.
Tổ bảo vệ do Hạt Kiểm lâm thành lập được chi trả 70.000 đồng/1ha/1 năm. Đội của thôn theo hợp đồng ban đầu Công ty T&T chi trả 10 triệu đồng/1 năm nhưng từ đó đến nay Công ty T&T chỉ mới trả được 2 năm đầu, 5 triệu đồng/1 năm. Do không có kinh phí nên đội của thôn hầu như không còn hoạt động nữa.
Bên cạnh đó còn có tổ bảo vệ do Hạt Kiểm lâm và xã phụ trách. “Người dân cũng như Mặt trận xã, Trưởng thôn, Bí thư thôn đã nhiều lần ý kiến là để người của thôn đứng ra thành lập tổ bảo vệ đó nhưng không hiểu vì lý do gì mà Hạt Kiểm lâm và xã lại thành lập một đội kiểm lâm lấy người từ nơi khác. Đội này lại không sâu sát cho nên tình trạng phá rừng diễn ra rất nhiều. Ở khu vực thôn có một Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ và cả xã chỉ có 01 kiểm lâm viên duy nhất bám địa bàn cho nên không hiệu quả và sâu sát”, một người dân nói.
Anh Dược, Trưởng thôn Noong Tài cho biết: “Ở đây chủ yếu là khai thác nhỏ lẻ, khai thác chui. Mình kiểm tra thì họ ngắt tiếng máy cưa, luồn lách trong rừng mà trốn. Mọi việc phức tạp là khi có 95ha cá tầm của Quang Thịnh lấy lý do bảo vệ nguồn nước đầu nguồn. Nhưng kỳ thực họ có bảo vệ bao giờ đâu.
Trước đây Công ty T&T có thuê tổ bảo vệ của thôn nhưng chỉ chi trả được 02 năm đầu còn đâu mất hút. Cho nên thành ra dân họ dựa vào cái chỗ đấy để họ chặt. Họ chỉ cần nhích vào một tí là vào đất của 95ha. Mình kiểm tra và xử lý thì họ cãi là đây là đất của cá tầm thì các ông lấy quyền gì mà bắt bọn tôi. Cho nên cái khó nó là như vậy. Trong khi tổ bảo vệ của Hạt thì ở xa mà thi thoảng mới kiểm tra thôi.
Trong nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri thôn cũng đã nêu vấn đề này nhưng không thay đổi được gì. Trong khi đó cứ đà này thì rừng ở khu vực này sẽ mất và ảnh hưởng đến nguồn nước của bà con trong thôn”.
Phóng viên tìm đến nơi được xây dựng để nuôi cá tầm tại đây là một khuôn viên nhỏ có 4-5 bể cá còn nuôi còn lại bỏ không và đã mọc rêu. Tại đây chúng tôi cũng bắt gặp một số đối tượng chạy xe máy đến dựng xe tại con đường mòn. “Đó là những đối tượng vào rừng để chặt gỗ đấy!”, người dẫn chúng tôi vào xem nơi nuôi cá tầm cho biết.
Thấy phóng viên, sau khi vào rừng được khoảng 20 phút thì một số đối tượng này quay lại trên người không mang theo thứ gì leo lên xe máy và phóng đi mất. Một lúc sau những đối tượng này quay lại, lượn ra lượn vào quanh khu vực nuôi cá tầm. Nhận thấy sự bất thường, chúng tôi chia thành 02 nhóm, một nhóm lên xe ra về trước còn một nhóm ở lại núp trong rừng để mật phục.
Quả nhiên, sau khi một nhóm phóng viên rời đi thì nhiều đối tượng phi xe máy từ đâu về đỗ lại bìa rừng và chở những khúc gỗ tròn dài tầm hơn 01 m với đường kính khoảng 40- 60 cm. Theo chân “đám lâm tặc” này chúng tôi phát hiện họ chở số gỗ vào một xưởng gỗ nằm tại thôn Noong Tài.
Để mục sở thị những cánh rừng đầu nguồn tại thôn Noong Tài bị tàn phá chúng tôi được một người dân địa phương dẫn đường. Leo lên ngọn núi cao chót vót, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ, trời mưa tầm tã nhóm phóng viên chúng tôi mới tiếp cận được nơi hiện nay đang được phá nhiều nhất. Cảnh những cây gỗ to 1-2 người ôm bị chặt hạ được vứt ngay ven con đường mòn đập vào mắt chúng tôi rõ mồn một. Tiếp đó là rất nhiều gốc cây gỗ một người ôm một số đã mọc rêu mốc, một số cây còn dấu vết mới như vừa bị chặt trước đó mới vài ngày.
Bí thư thôn Noong Tài, chị Liên – một cán bộ trẻ vừa mới được bầu – rất tâm huyết với rừng quê hương khẳng định: “Công ty Quang Thịnh tiếp quản 95ha rừng đầu nguồn của Công ty T&T nhưng từ đó đến nay họ cũng hứa hẹn xuống gặp thôn, gặp bà con nhưng chưa thấy gì. Hiện giờ chúng tôi cũng chưa quy kết gì. Có gì thì phải đợi sau buổi gặp thì mới có câu trả lời thỏa đáng cho người dân. Còn vấn đề ở đây như anh Dược đã nói nó nằm ở việc bảo vệ và quản lý rừng của tổ bảo vệ là chưa hiệu quả và 95ha cá tầm của Quang Thịnh. Còn tất nhiên việc phá rừng sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân trong thôn”.
Còn bà Thoan năm nay đã 78 tuổi, ngày nào cũng chịu tra tấn bởi tiếng máy cưa gỗ. Bà cho biết: “Tôi sống đến nay hết một đời người cũng chứng kiến cảnh rừng này mỗi ngày lại bị chặt đi một ít. Trước đây việc phá rừng vẫn có nhưng chỉ diễn ra nhỏ lẻ. Chủ yếu là dân họ lấy gỗ để làm nhà. Nhưng mấy năm gần đây thì việc phá rừng nó nhiều hơn. Người ta chặt gỗ còn để bán cho mấy xưởng làm gỗ nữa. Cứ ban ngày họ mang cưa lên chặt gỗ, tối lại đánh xe máy vào chở gỗ về xưởng. Hôm nào có đoàn kiểm tra thì họ trốn, họ tắt máy cưa. Đoàn đi thì họ lại tiếp tục phá. Nói chung là không hiệu quả gì”.
Ông Hoàng Văn Mưu – Chủ tịch xã Thượng Bằng La (Văn Chấn – Yên Bái) thừa nhận có việc một số người dân vào rừng chặt phá rừng đầu nguồn. Diện tích rừng này thuộc Công ty T&T nuôi cá tầm, đã được cấp sổ đỏ và hiện tại giao cho phía Công ty T&T quản lý. Tuy nhiên bên Công ty T&T không thuê người trông coi, chính quyền xã và Kiểm lâm cũng đã bắt nhiều trường hợp và xưởng cưa trên địa bàn nhưng họ vẫn làm trộm. Đa phần người dân vận chuyển gỗ bán cho xưởng cưa vào ban đêm và xưởng cưa cũng làm ngay trong đêm nên sáng hôm sau chúng tôi đi kiểm tra thì họ đã làm xong không có gì.
Theo ông Mưu và một số người dân địa phương, qua ba bốn lần “thay ngôi đổi chủ”, dự án làm ăn thua lỗ, không có tiền trả cho lực lượng bảo vệ, công ty rút đi dần. Kẻ xấu ùa lên “đục nước béo cò”, hết phá rừng ở khu “cá tầm” chúng còn “xẻ thịt” các cánh rừng khác thuộc 400 ha rừng thôn Noong Tài.
Cũng theo lời ông Mưu, xã cũng đã kiến nghị nhiều lần và đề nghị huyện Văn Chấn giao lại diện tích đất rừng đó cho xã quản lý nhưng phía huyện cũng chưa có giải pháp cụ thể. “Hiện nay bên thanh tra của huyện mới chỉ công bố quyết định để thanh tra các xưởng bóc gỗ trên địa bàn”, ông Mưu cho biết thêm.
Hoàng Tưởng – Xuân Mạc