BVR&MT – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến 15/7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 241 triệu USD, tăng 14% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu sang Hà Lan và Bỉ tăng trưởng 2 con số, lần lượt 19% và 21%, xuất khẩu sang Đức tăng 9% so cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu ghi nhận tăng trưởng 2 con số từ tháng 4 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong tháng 5 và 6.
Dự kiến, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU từ tháng 7 đến hết năm 2024 sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế EU cũng dần có xu hướng ổn định, lạm phát tiếp tục giảm.
Các mặt hàng tôm truyền thống của Việt Nam sang thị trường EU sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với các nguồn cung đối thủ, riêng các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ tăng tốt hơn so những năm trước vì tồn kho đã giảm nhiều. Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang EU 2 quý đầu năm 2024, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất 80,5%, tôm sú chiếm 12,4%, còn lại là tôm loại khác.
Quý II/2024, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng sang EU dao động từ 7,2-7,4 USD/kg, giá tôm sú dao động từ 8,6-10,3 USD/kg. Giá xuất khẩu trung bình cả tôm chân trắng và tôm sú sang EU trong quý II năm nay đều có xu hướng tăng so quý đầu năm và tăng so cùng kỳ năm ngoái.
Về nhu cầu trên thị trường tôm EU, ở Tây Bắc Âu nhu cầu đối với các sản phẩm giá trị gia tăng tiện lợi hơn đang tăng trong khi Nam Âu có nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm tôm chân trắng có giá phải chăng.
Hiện, thị trường EU đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn, bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…), đòi hỏi phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải).