BVR&MT – Nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn còn rất lớn, trong đó bao gồm cả nguồn nguyên liệu cao su có chứng chỉ bền vững FSC.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 10,4% về lượng và tăng 8,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.651 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 5/2022 và giảm 2,1% so với tháng 6/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRG), diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000ha; trong đó, phần diện tích tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.
So với nhu cầu ngày càng tăng của các quốc gia sau khi phục hồi kinh tế, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới chỉ đạt hơn 13,8 triệu tấn trong năm 2021, trong khi nhu cầu của toàn thế giới là hơn 14 triệu tấn.
Như vậy nguồn nguyên liệu cao su bị thiếu lên tới khoảng 200.000 tấn. Nguồn cung cao su toàn cầu đang tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu và sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) dự báo.
Để ngành cao su Việt Nam tiếp bước phát triển, trong 6 tháng đầu năm nay, nguồn nguyên liệu cao su, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cao su bền vững luôn được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su chú trọng.
Chính vì vậy, song song với vườn cao su hiện hữu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su đã có chiến lược liên kết chặt chẽ với các hộ trồng cao su tiểu điền, thu mua nguyên liệu mủ cao su với giá cao hơn thị trường 5-10%.
Trao đổi với TTXVN/Vietnam+, ông Lại Minh Xuân, Giám đốc Xí nghiệp chế biến cao su, thuộc Công ty Cao su Bình Thuận cho biết, khi doanh nghiệp thu mua nguyên liệu mủ cao su của các hộ cao su tiểu điền, doanh nghiệp luôn tiến hành thanh toán cho các hộ trồng thời gian nhanh nhất, để khích lệ tinh thần sản xuất và liên kết của các hộ cao su tiểu điền.
Đồng thời, để giúp các hộ cao su tiểu điền tăng năng suất và chất lượng mủ cao su, các doanh nghiệp cũng đã chủ động nghiên cứu và cung ứng cho bà con các loại giống chuẩn, chất lượng, năng suất, lợi nhuận cao cho bà con trồng cao su tiểu điền. Qua đó, giúp doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu ổn định, quản lý được chất lượng mủ, tiến tới phát triển thị trường.
Mỗi địa phương có sản xuất cây cao su, hầu như các hộ trồng cao su tiểu điền đều mong muốn cây cao su năng suất cao, được giá. Chính vì vậy, việc liên kết với doanh nghiệp là một niềm phấn khởi của nông dân trồng cao su.
Với mỗi lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đều cần có nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, từ đó các doanh nghiệp mới có thể ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Với những cảnh báo nguồn cũng cao su đang thiếu hụt, thì nguồn nguyên liệu chính là trọng tâm của sản xuất và xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm của ngành cao su Việt Nam.
Để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD như đã đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu.