BVR&MT – Theo đánh giá chung, Nghị định 155/2016/NĐ – CP (Nghị định 155) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tạo chuyển biến trong việc bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Phóng viên báo Tin Tức đã có trao đổi với ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này. Nghị định 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành đã được 1 năm, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Nghị định này?
Nghị định 155 đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp (DN) và người dân. Đối với DN, khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc (ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục các vi phạm, có thể buộc phải dừng hoạt động…) đã buộc các DN phải quan tâm hơn đến công tác BVMT, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục còn thiếu theo quy định; quan tâm đầu tư và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt QCVN; thu gom, quản lý, xử lý chất thải… Ý thức BVMT của DN và người quản lý/chủ DN được nâng lên, nhờ đó, mà môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện.
Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.
Theo đánh giá của một số địa phương, việc thực hiện Nghị định 155 còn một số khó khăn như: chưa có quy định xử lý với hành vi không thực hiện quan trắc, giám sát môi trường; các căn cứ để xử phạt đều mang tính kỹ thuật cao, phụ thuộc nhiều vào kết quả quan trắc, trong khi, phương tiện, thiết bị, lực lượng giám sát, thực thi pháp luật còn hạn chế, gây khó khăn cho việc xác định đối tượng vi phạm và công tác thực thi pháp luật…. Ông đánh giá sao về ý kiến này?
Khi triển khai thi hành Nghị định 155, nhiều địa phương cũng đã phản hồi là Nghị định chưa quy định xử phạt hành vi không quan trắc, giám sát môi trường; tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo tinh thần Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hiện nay, chỉ bắt buộc quan trắc, giám sát đối với chất thải và yêu cầu phải báo cáo giám sát chất thải, do đó, trường hợp doanh nghiệp không quan trắc, giám sát chất thải thì đương nhiên bị xử phạt vì không có báo cáo giám sát chất thải.
Trong Nghị định 155, nhóm hành vi vi phạm về xả thải có khung và mức phạt rất cao, đây là hành vi gây ô nhiễm, chỉ có thể được phát hiện, xử lý khi có kết quả đo đạc, quan trắc; các vi phạm gây ô nhiễm có tính thời điểm, thời gian xảy ra ngắn, muốn phát hiện được thì cần phải có các số liệu quan trắc, phân tích các thông số môi trường. Do đó, không còn cách nào khác là phải sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật mới có thể phát hiện và xử lý vi phạm; điều này có phần khó khăn đối với những địa phương có nguồn ngân sách hạn hẹp, chưa có đủ điều kiện để trang bị phương tiện, thiết bị đo.
Hiện nay trong toàn ngành tài nguyên môi trường, đã hình thành 63 Trung tâm quan trắc, phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) trong cả nước. Ngoài ra, trong toàn quốc có khoảng hàng trăm Trung tâm, phòng phân tích thí nghiệm tại các Bộ ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học đủ điều kiện để quan trắc phân tích môi trường; trong đó có nhiều Phòng phân tích đạt chuẩn quốc tế. Với lực lượng đội ngũ, trang thiết bị kỹ thuật như vây thì hoàn toàn có thể giám sát, thực thi tôt công tác bảo vệ môi trường nếu chúng ta biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương giai đoạn đến 2020 tầm nhìn 2030; trong đó có tăng cường trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường. Đề án này sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Nghị định 155 có nhiều nội dung liên quan đến người dân như: vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng… cũng bị xử phạt. Nhưng thực tế, đến nay sau 1 năm, dường như những quy định này chưa có “hiệu quả”, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Qua theo dõi thực hiện Nghị định 155 chúng tôi cũng nhận thấy việc xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng, xả thải không đúng quy định… hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chính là do lực lượng được giao thực hiện nhiệm vụ BVMT ở các phường/xã theo Nghị định 155 còn thiếu kinh nghiệm, còn bỡ ngỡ, nể nang và chưa mạnh dạn lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC); UBND cấp phường, xã chưa giao nhiệm vụ BVMT cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền lập biên bản VPHC để họ đủ điều kiện thực hiện quyền lập biên bản VPHC theo Nghị định 155.
Cùng với đó, có quy định nhưng chưa khả thi. Ví dụ như ở nước ngoài thường cắm biển báo “khu vực hút thuốc”, nếu hút ngoài khu vực được hút thuốc là vi phạm; tuy nhiên, ở nước ta thì ngược lại, cắm biển báo “cấm hút thuốc”, nên không thể cắm biển cấm hút thuốc ở tất cả nơi công cộng. Vì vậy, khó xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, mặc dù pháp luật đã có quy định. Hoặc nếu có xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng, xả thải không đúng quy định cũng chưa có quy định chế tài để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, nên khó cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Đặc biệt, nhận thức của người dân, cộng đồng tại cơ sở về những văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và về các quy định tại Nghị định 155 còn chưa cao.
Theo ông, để những quy định của Nghị định 155 thực sự đi vào cuộc sống cần phải triển khai các giải pháp gì?
Theo tôi, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền các quy định về BVMT, các hành vi vi phạm, khung và mức phạt theo Nghị định 155 để người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện tốt nhằm hạn chế bị phạt.
Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc để tạo thuận lợi cho người có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ ở cơ sở và đảm bảo chế tài cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC về BVMT đối với cá nhân.
Bên cạnh đó, UBND cấp xã/phường cần có quy định cụ thể về thời gian, địa điểm thu gom, phân loại, tập kết rác trên địa bàn để người dân thực hiện và làm cơ sở để xử phạt nếu vi phạm các quy định. UBND cấp xã, Ban Quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… cần có Quyết định giao nhiệm vụ BVMT cho những người có thẩm quyền lập biên bản VPHC về BVMT (trong đó phân công rõ trách nhiệm, phạm vi… của từng cá nhân) để tạo hành lang pháp lý cho những cá nhân đang thi hành nhiệm vụ BVMT đủ thẩm quyền lập biên bản vi phạm về BVMT theo quy định của Nghị định 155.
Trân trọng cảm ơn ông!