BVR&MT – Xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày được nâng cao. Nhưng kèm theo đó là nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường liên quan nguồn nước, không khí, thực phẩm, rác thải… Và gần đây một loại ô nhiễm gây bức xúc trong cộng đồng, đó là ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke tại nhà hay địa điểm công cộng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây xáo trộn sinh hoạt khu dân cư.
Hát karaoke, từ một hình thức giải trí lành mạnh đang bị không ít người biến thành một kiểu “tra tấn” âm thanh bằng các loại loa, âm-ly công suất lớn khiến đời sống sinh hoạt nhiều gia đình, khu dân cư bị đảo lộn. Nhiều người hát bất kể giờ giấc, buổi trưa, buổi tối, kéo dài đến tận nửa đêm… làm ảnh hưởng đến học tập của các cháu học sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, nhất là người già, người bệnh.
Đã có những xích mích tình cảm xóm giềng, thậm chí là xô xát, đâm chém lẫn nhau do hát karaoke mở âm lượng quá to trong giờ nghỉ buổi trưa, buổi tối. Chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhắc nhở, răn đe, xử phạt… nhưng nạn karaoke tại nhà, ở vỉa hè đường phố, khu chung cư… vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Tại thành phố Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đang triển khai quyết liệt việc xử lý tiếng ồn từ hát karaoke. Các địa phương như phường Nại Hiên Đông, phường Thọ Quang, đã thành lập Tổ phản ứng nhanh tổ chức đi tuần tra bất kể các khung giờ. Phường cũng hợp đồng với đơn vị chuyên môn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố để cử cán bộ cùng trang, thiết bị thực hiện việc đo tiếng ồn, cung cấp cho phường kết quả để làm căn cứ xử lý theo quy định.
Trước khi ra quân xử lý, Ủy ban nhân dân phường đã tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến các khu dân cư, tổ dân phố, hộ dân; mời các hộ kinh doanh cho thuê loa di động làm việc, thông báo, yêu cầu chấm dứt việc kinh doanh trái phép và công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh liên quan đến vi phạm tiếng ồn. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà cho biết, trước mắt sẽ xử lý hành chính đối với những vi phạm như gây mất an ninh trật tự, lấn chiếm không gian công cộng; xử lý hành chính đối với các cơ sở, người cho thuê loa không có giấy phép kinh doanh, sử dụng hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…
Tiếp đến, thanh tra ngành tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông sẽ phối hợp đo tiếng ồn, lập hồ sơ pháp lý làm căn cứ để xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Không chỉ hát karaoke, mà các cơ sở sản xuất, gia công gây tiếng ồn trong khu dân cư cũng sẽ bị xử lý triệt để. Kế hoạch sẽ được thực hiện lâu dài, trên toàn thành phố Đà Nẵng và sẽ không có chuyện “đánh trống bỏ dùi”.
Sau 10 ngày ra quân xử lý ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư, Ủy ban nhân dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đang nhận được sự đồng tình rất lớn từ người dân.
Tổ phản ứng nhanh của phường hiện đã tạm giữ 15 loa di động, xử phạt nhiều trường hợp mở nhạc lớn theo quy định. Nhiều gia đình ở hai phường Nại Hiên Đông và Thọ Quang đã có ý thức trong việc hát karaoke. Trước đây hễ có tiệc sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, về nhà mới… đều có hát karaoke. Nhưng nay đã giảm hẳn, hoặc hát nhưng mở nhỏ âm lượng, hát trong khung giờ cho phép.
Mô hình xử lý vi phạm tiếng ồn tại Đà Nẵng đang đem lại hiệu quả tốt. Các tỉnh, thành phố khác nên nghiên cứu, triển khai cách làm này để xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke.