BVR&MT – Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các vụ phá rừng. Ðây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ lo lắng về công tác bảo vệ, quản lý rừng, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại ở nhiều địa phương có rừng.
Công khai phá rừng
Tháng 4-2018, tại xã An Thắng (huyện Pắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn), qua kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện có 16 lô với tổng cộng gần 11 ha rừng bị phá, với lượng gỗ bị chặt hạ lên đến hơn 600 m3. Ðiều đáng nói, vụ phá rừng có quy mô lớn nhất tại địa phương này đã được phát hiện rất sớm, nhưng cấp ủy, chính quyền xã không báo cáo cấp trên, mà cố ý bao che, dung túng cho việc làm sai trái bởi có hơn 20 gia đình đã phá rừng, trong đó có cả gia đình bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn và những người có trách nhiệm tham gia. Chỉ khi cơ quan có trách nhiệm đến xác minh hiện trường, vụ việc mới được ngăn chặn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, sáu tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 157 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chủ yếu là khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép. Tổng số lâm sản bị tịch thu là hơn 64 m3 gỗ các loại. Xã Ðức Xuân có hơn 4.370 ha rừng và là địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của huyện Bắc Quang. Mặc dù có lực lượng chuyên trách từ xã đến thôn, nhưng tình trạng chặt phá rừng ở đây vẫn không giảm. Trong đó có những vụ việc vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép diễn ra công khai, gây bức xúc trong xã hội. Sáu tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã bắt chín vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu gần 20 m3 gỗ các loại. Việc chặt phá rừng tự nhiên, lấy gỗ tạp để bán cho các xưởng chế biến gỗ ván bóc ở xã Ðức Xuân diễn ra thường xuyên, công khai ở các thôn Xuân Thượng, Xuân Mới, Nặm Tạu. Mới đây nhất, cây gỗ cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại diện tích đất vườn đồi của gia đình ông Giàng Seo Chúng, thôn Nặm Tạu đã bị ngang nhiên chặt hạ.
Rừng đặc dụng Phong Quang có diện tích gần 10 nghìn héc-ta, nằm trên địa bàn bốn xã biên giới của huyện Vị Xuyên, vốn được coi là “vựa nghiến” của tỉnh với những cây nghiến hàng trăm năm tuổi. Nhiều năm nay, đây luôn là địa bàn nóng về tình trạng khai thác gỗ trái phép. “Lâm tặc” (chủ yếu là người địa phương) cắt hạ những cây nghiến lớn, cắt thành khúc dạng thớt, gửi qua biên giới, bán lấy tiền. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn ra công khai, gây bức xúc trong nhân dân.
Ở tỉnh Quảng Ninh, hàng chục héc-ta rừng phòng hộ tại xã An Sinh, huyện Ðông Triều cũng bị các hộ dân chặt phá để lấy đất trồng cây dược liệu. Mặc dù việc chặt phá rừng diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương, kiểm lâm và các lực lượng có liên quan không quan tâm giải quyết.
Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sáu tháng đầu năm 2018, cả nước phát hiện 6.651 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó có 963 vụ phá 301 ha rừng và 530 vụ vi phạm khai thác rừng, với diện tích rừng bị thiệt hại là 453 ha. Trong các vụ vi phạm về rừng bị phát hiện, cơ quan chức năng đã xử lý 5.641 vụ, nhưng chủ yếu xử phạt hành chính 5.533 vụ, tịch thu 5.730 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 82 tỷ đồng, còn xem xét xử lý hình sự chỉ có gần 110 vụ. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến số vụ vi phạm pháp luật về rừng vẫn không giảm chưa kể tình trạng chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, báo cáo diện tích rừng bị thiệt hại không trung thực. Chính quyền địa phương không thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, vai trò điều hành còn mờ nhạt, thiếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước, nhất là kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí còn biểu hiện tiếp tay cho hành vi phá rừng. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, hầu hết các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép chậm được điều tra, xử lý và để kéo dài. Chế tài xử lý vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe các đối tượng vi phạm.
Ðể giữ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với trách nhiệm được Chính phủ giao, cần chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với những địa phương để xảy ra vi phạm nhiều về phá rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái pháp luật, xử lý thật nghiêm đối với hành vi phá rừng. Yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quán triệt và triển khai đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng tại Chỉ thị số 13-CT/TW (ngày 12-1-2017) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tổng cục Lâm nghiệp quán triệt tới toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là ngăn chặn tình trạng kiểm lâm tiếp tay lâm tặc để phá rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, xử lý kiên quyết các hành vi mua bán đất lâm nghiệp trái pháp luật. Ðồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng dân cư, chủ rừng; có giải pháp phù hợp nâng cao đời sống người dân để họ có thể sống được bằng nghề rừng.