Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu

BVR&MT – Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa có Chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Đây là hai loại trái cây đang có tốc độ tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhất là sau khi sầu riêng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; chanh leo cũng được cấp phép thí điểm xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này từ tháng 7/2022.

Thu hoạch sầu riêng. Ảnh: TTXVN

Riêng với trái sầu riêng, theo thống kê của hải quan Trung Quốc, năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 821.600 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 82,4% lên 4,2 tỷ USD. Tính đến năm 2021, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đã tăng gần gấp 4 lần so với năm 2017 và có xu hướng tăng hơn nữa trong các năm tiếp theo.

Nhằm tận dụng lợi thế đó, một số địa phương trọng điểm sản xuất sầu riêng, chanh leo của nước ta đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ; tạo việc làm và nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân; đóng góp tích cực vào tăng trưởng, nâng cao vị thế, thị phần ngành hàng rau quả nói chung và sầu riêng, chanh leo Việt Nam nói riêng trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng “nóng” của hai loại trái cây này cũng đang dẫn đến tình trạng phát triển “nóng” về diện tích, như: mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; xuất hiện hiện tượng tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; chuyển đổi vườn cà-phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…

Trong khi đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng chanh leo, sầu riêng hiện có. Điều này đang tác động lớn đến sản xuất bền vững hai loại cây trồng, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, về lâu dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu, uy tín của ngành hàng trái cây Việt Nam.

Chính vì vậy, ngay trong thời điểm sầu riêng, chanh leo thuận đường tiêu thụ như hiện nay, các địa phương vẫn cần rà soát diện tích sản xuất để xây dựng đề án, kế hoạch phát triển theo vùng tập trung trên cơ sở có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở chế biến; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sớm hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo để bảo đảm xây dựng được các vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.