BVR&MT – Những năm gần đây, người tiêu dùng đã biết thêm một giống bưởi đặc sản, quả to, có vị ngọt ngon, đó là giống bưởi Quế Dương. Giống bưởi quý này hiện đã được người dân ở xã Cát Quế (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhân rộng để phát triển theo hướng hàng hóa.
Trong nông nghiệp, UBND xã Cát Quế đã chọn thương hiệu cây bưởi Quế Dương là đặc sản vùng. Bưởi Quế Dương là loại bưởi đã có từ lâu đời vùng đất Cát Quế. Loại bưởi này có mẫu mã đẹp, quả to, cùi mỏng, độ ngọt vừa phải, được người dân ưa chuộng. Thời gian thu hoạch của bưởi Quế Dương thường từ rằm tháng tám âm lịch. Đây là loại bưởi cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Bưởi Quế Dương được sở Nông nghiệp hỗ trợ trồng và phát triển nhân rộng từ năm 2013. Đến năm 2014, bưởi Quế Dương được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Tổng diện tích đất trồng bưởi là hơn 30 ha.
Chia sẻ với Phóng viên, Ông Trần Văn Long – Phó chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết: Năm 2014 cây bưởi Quế Dương được công nhận là nhãn hiệu tập thể. Đây được coi như một cơ hội lớn để người dân địa phương phát huy giá trị kinh tế của giống bưởi. Trong quá trình đô thị hóa, UBND Cát Quế sẽ chọn bưởi Quế Dương làm sản phẩm đặc trưng của xã trong chương trình mỗi xã một sản phẩm của Chính Phủ.
Được biết, huyện Hoài Đức đang quan tâm xây dựng, quản lí và quảng bá sản phẩm bưởi Quế Dương, đăng ký thương hiệu, đồng thời khuyến khích việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tạo cho cây bưởi tăng năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích người dân trồng bưởi theo quy trình VietGAP và tiến tới xin cấp chứng nhận bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, qua đó vừa khẳng định thương hiệu bưởi Quế Dương, vừa nâng cao giá trị kinh tế từ trồng bưởi.
Ông Nguyễn Như Hảo một người trồng bưởi Quế Dương lâu năm chia sẻ: Mô hình bưởi của tôi đã được hơn 10 năm với diện tích hơn 2 ha. Xây dựng thương hiệu bưởi, tôi đang sử dụng phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ. Thu nhập vụ gần nhất là khoảng 3 đến 5 tạ/cây.
Hiện tại, bưởi Quế Dương đem lại lợi ích kinh tế cao cho người dân và cũng là mô hình nông nghiệp điển hình của vùng. Tuy nhiên để xây dựng thương hiệu bưởi mang tính bền vững cần sự định hướng hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương. Qua đó, xây dựng mô hình đồng bộ về giống, kỹ thuật chăm sóc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, bảo quản, sơ chế sản phẩm trái cây.
Văn Trì