BVR&MT – Số xã có quy hoạch trên tổng số xã của cả nước đã tăng từ 23,1% năm 2010 lên 83,5% vào năm 2013 và đến nay đã đạt 99,7%.
Đây là số liệu được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyên Văn Sinh cho biết tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (Tiêu chí quy hoạch), tổ chức sáng 3/10 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nếu giai đoạn 2010 – 2015 tập trung cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn, chỉ chú trọng phát triển khu dân cư mới, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu trong phạm vi của một xã thì chặng đường 2016 – 2020 Bộ Xây dựng được phân công chủ trì hướng dẫn Quy hoạch xây dựng vùng. Điều này nhằm đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới và quy hoạch xã nông thôn mới; bổ sung thêm nội dung đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với đô thị.
Tiêu chí đánh giá xã nông thôn mới được ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và được bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Tiêu chí quy hoạch là Tiêu chí số 1 trong các giai đoạn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi quy hoạch xây dựng cần phải đi trước một bước để làm cơ sở đầu tư, phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững. Việc phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn và nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý thực hiện theo quy hoạch xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong lập quy hoạch nông thôn mới.
Tuy nhiên, chất lượng các đồ án quy hoạch của một số xã còn thấp, thiếu sự liên kết giữa bố trí dân cư, xây dựng các công trình hạ tầng, vùng sản xuất tập trung và thiếu tính liên kết vùng. Việc quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ. Tình trạng nhà ở của người dân xây dựng không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm đang diễn ra phổ biến, làm cho không gian, kiến trúc nhà ở ở nông thôn nhiều nơi lộn xộn, gây mất mỹ quan (bao gồm cả nhà cổ, biệt thự cao tầng, nhà ống,…).
Theo các đại biểu, trong xem xét định hướng quy hoạch bố trí, phát triển dân cư nông thôn cho giai đoạn sau năm 2020, một khía cạnh cần giải quyết là xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng, quản lý cảnh quan nông thôn mới để nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh quy hoạch lại không gian khu vực nông thôn (thôn, làng…) phù hợp tính đặc thù của vùng miền; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
“Trước xu hướng đô thị hóa ở nhiều địa phương hiện nay, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện để tránh việc mỗi địa phương hiểu theo cách khác nhau; từ đó, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là các vùng chuẩn bị lên đô thị và các vùng nông thôn liền kề, theo hướng xác định rõ các chức năng bổ sung, liên kết của nông thôn” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất.