Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn liền với xây dựng nông thôn mới

BVR&MT – Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1711-TB/TU, truyền đạt kết luận của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang phát triển trang trại, gia trại xa khu dân cư theo hình thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất con giống (đối với lợn và gia cầm), phát triển chăn nuôi bò thịt. Tăng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tăng cường vai trò kết nối của Nhà nước, đổi mới tư duy, đưa được sản phẩm nông nghiệp ra thị trường khu vực và thế giới. Các mô hình sản xuất, liên kết cũng cần năng động, linh hoạt và đủ khả năng thích ứng với biến động của thị trường.

Xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện cần gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Về phát triển nông nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến; hình thành các liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị; tăng cường thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt lưu ý triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, chống lây lan và kiểm soát chặt nguồn thịt lợn nhập khẩu, đảm bảo không để bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; tuyên truyền và tập huấn cho các hộ dân, trang trại nuôi gia súc các giải pháp phòng dịch và cung cấp thiết bị, chế phẩm phòng dịch cho nhân dân.

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp; phòng chống thiên tai, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Củng cố và phát triển hệ thống thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; tăng cường năng lực ứng phó kịp thời, hiệu quả trước mọi tình huống. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; triển khai thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm đảm bảo đạt yêu cầu, hiệu quả.

Quyết liệt tham mưu, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, đặc biệt là các dự án đầu tư trọng điểm do Sở được giao làm chủ đầu tư.

Quan tâm nghiên cứu, áp dụng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là hiệu quả của các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) do Sở đang trực tiếp triển khai.

Bên cạnh đó tăng cường và chủ động học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để tham mưu, đề xuất thành phố có các cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến trình tích tụ đất đai, từ đó tạo tiền đề cho việc ra đời các mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, công nghệ – kỹ thuật hiện đại, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Về xây dựng nông thôn mới

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chủ động tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách thành phố về xây dựng nông thôn mới.

Chỉ đạo xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí nâng cao, đồng thời phối hợp với các ngành và 4 huyện đang trong lộ trình đô thị hóa để nâng tầm các tiêu chí lên tiệm cận các tiêu chí đô thị, chuẩn bị trước một bước cho lộ trình lên quận của các địa phương này đến 2020. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, đặc biệt là một số công trình trọng điểm.

Quan tâm một số huyện còn nhiều khó khăn như Phú Xuyên, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, một số xã khó khăn như xã Ba Vì (huyện Ba Vì), xã An Phú (huyện Mỹ Đức) trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả, kết quả một số chương trình trọng tâm của ngành nông nghiệp và trong bảo vệ môi trường ở nông thôn, xử lý ô nhiễm các dòng sông chảy qua địa phận Hà Nội, ô nhiễm hữu cơ do chất thải nông nghiệp; khắc phục ô nhiễm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh sẽ góp phần cải thiện đời sống của nông dân, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Thạch Thảo