BVR&MT- Ngày 21/11, tại Viện Cây ăn quả miền Nam (xã Long Định, Châu Thành, Tiền Giang), Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giới thiệu quy trình kỹ thuật mới trên cây trồng nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh phía Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các viện, trường; các nhà khoa học, doanh nghiệp và các chủ trang trại ở các tỉnh phía Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hội thảo nhằm giới thiệu những thành tựu trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, giải pháp thâm canh trong trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng hàng hóa; nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phục vụ mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Hội thảo được tổ chức hướng đến mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại cho nông dân.
Ông Lê Quốc Thanh cho biết, trung bình mỗi năm, các đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện chọn tạo được khoảng 20 giống cây trồng mới được công nhận cùng hàng chục giải pháp tiến bộ kỹ thuật mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, cho lưu hành trong nước phục vụ nông dân. Tuy nhiên, một trong những vấn đề thiết thực hiện nay là làm thế nào đưa các giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới, nhiều ưu việt vào phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nông thôn.
Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, trong giai đoạn 2012 – 2017, Viện Cây ăn quả miền Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên lĩnh vực chọn tạo giống, giúp người dân các tỉnh, thành phía Nam nâng cao hiệu quả canh tác vườn cây ăn quả, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Viện đã lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng LD95, giống nhãn lai LĐ 11, giống dưa leo F1 LĐ 7, giống ớt chỉ địa F1 LĐ 16…; các cây ăn quả đầu dòng như xoài, chôm chôm; các giống và dòng hoa triển vọng… Bên cạnh đó, Viện Cây ăn quả miền Nam còn chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trên lĩnh vực phòng trừ sâu bệnh, thâm canh cây trồng, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP, liên kết sản xuất và đưa ra các giải pháp sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ nhu cầu sản xuất, thâm canh cây trồng tại các tỉnh phía Nam.
Theo Tiến sĩ Dương Hồng Sơn, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học của Viện đã chọn tạo và chuyển giao các giống lúa OM có chất lượng tốt, năng suất cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long là: ngọt, lợ, mặn, phèn; đồng thời, phổ biến qui trình canh tác và những tiến bộ canh tác mới trên lĩnh vực thâm canh lúa. Viện đã chọn tạo và được công nhận đưa vào sản xuất 166 giống lúa mới phục vụ nhu cầu sản xuất. Ước tính, 70% tổng diện tích canh tác vùng Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng bộ giống lúa OM. Đây là một thành tựu lớn trong việc chọn tạo giống tốt, phù hợp các tiểu vùng sinh thái, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương có trên 74.000 ha đất trồng cây ăn quả, khoảng 77.000 ha đất trồng lúa và là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long nên nhu cầu giống mới có nhiều ưu điểm về năng suất, sản lượng và chất lượng cũng như các giải pháp thâm canh phù hợp, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Hội thảo được tổ chức là dịp để giới thiệu những kết quả xuất sắc trong lĩnh vực chọn tạo giống, giới thiệu biện pháp canh tác khoa học cần thiết và đáp ứng được nhu cầu thâm canh thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân làm giàu bền vững.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam tiềm năng về sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu rau quả của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển việc trồng, chế biến và xuất khẩu cây ăn quả một cách bền vững cần có sự liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân; quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản chủ lực.