BVR&MT – Hệ thống thông tin đất đai được xây dựng vừa phải tuân theo các tiêu chuẩn hệ thống thông tin cấp quốc gia và vừa đáp ứng được tính đặc thù của công tác quản lý đất đai, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin đất đai của các bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo “Mô hình và phần mềm vận hành hệ thống thông tin đất đai”.
Trình bày về hiện trạng của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính cho biết: Theo Luật Đất đai, Hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam.
Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và cụ thể về công tác xây dựng cơ sở dữ liệt đất đai và hệ thống thông tin đất đai. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ TN&MT cũng đang trình Chính phủ 02 Nghị định gồm “Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai” và “Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai”. Bộ cũng đang xây dựng các Thông tư quy định chi tiết kèm theo trong lĩnh vực này.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Đào Trung Chính, hệ thống thông tin đất đai được xây dựng phải căn cứ trên nhu cầu, điều kiện thực tế, huy động được tối đa nguồn lực cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin và tính hiệu quả giữa việc đi thuê dịch vụ so với đầu tư xây dựng mới.
Và một yêu cầu rất quan trọng đó là hạ tầng kỹ thuật công nghệ của Hệ thống thông tin đất đai cũng cần phải phù hợp với Khung kiến trúc của Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc của Chính phủ điện tử của Bộ TN&MT và kiến trúc của Chính phủ điện tử của các địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang hướng đến và lựa chọn để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức then chốt. Đồng thời đây cũng thể hiện quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong thời giai qua.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng coi đất đai, công tác quản lý đất đai là một vấn đề hết sức quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Và vấn đề quản lý đất đai, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai là những vấn đề quan trọng để đảm bảo quản lý đất đai một cách minh bạch đồng thời góp phần phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý đất đai.
Thông tin đến hội thảo việc Chính phủ coi cơ sở dữ liệu đất đai là 1 trong 5 cơ sở dữ liệu quốc gia, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước cho rằng chính vì tầm quan trọng như vậy, nên Bộ TN&MT đã được Chính phủ quan tâm thông qua việc huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong khuôn khổ dự án của Ngân hàng Thế giới cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thông tin điện tử.
Mong muốn hệ thống thông tin này sẽ được vận hành từ Trung ương đến cấp xã, phường, Bộ trưởng cho rằng cần làm sao để người dân – những người hiểu biết ít nhất về công nghệ thông tin có thể ứng dụng và sử dụng.
Bộ trưởng cũng cho rằng, hệ thống thông tin này có tầm quan trọng không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp chúng ta vận hành công tác quản lý nhà nước đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách… liên quan đến đất đai. Đồng thời, hệ thống thông tin đất đai đảm bảo kết nối liên thông cải cách thủ tục hành chính giữa Bộ TN&MT với các ngành như Thuế, Hải quan…
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu được nghe các tập đoàn, công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam như: Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn CMC, Tập đoàn AIC, Công ty Trí Nam, Tập đoàn Koica, Công ty Jungdo UIT cùng các chuyên gia, các bộ, ban, ngành, các sở TN&MT… chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đất đai với Bộ TN&MT.