BVR&MT – Những năm qua, không gian và hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các thành phố lớn nước ta được quan tâm mở rộng, đầu tư. Tuy nhiên, kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, cần được tiếp tục đầu tư xây dựng và tăng cường quản lý để phát triển bền vững.
Ô nhiễm môi trường, ngập úng… tại các đô thị lớn đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn; nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch hết sức tùy tiện.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông, nhưng hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thoát nước phát triển chưa đồng bộ, nên một số khu vực thường xuyên bị úng ngập mỗi khi mưa lớn. Bên cạnh đó, tốc độ bê-tông hóa tại các thành phố gia tăng nhanh, không chỉ làm tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất, làm giảm lượng nước ngầm và gây lún cho đô thị, mà còn tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt, làm gia tăng cả về số cơn mưa nhiệt đới trong khu vực.
Nhiều hệ lụy do quá tải đô thị
Tại Hà Nội, chỉ cần một trận mưa to là có thể gây ngập úng kéo dài tại các khu vực trũng, thấp. Đáng lo ngại nhất là khu vực phía tây Hà Nội, các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, nơi tập trung nhiều khu đô thị mới, nhưng hệ thống thoát nước không được đầu tư tương xứng, cho nên hễ mưa là ngập.
Đại lộ Thăng Long hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến nay hệ thống thoát nước của tuyến đường vẫn chưa hoàn chỉnh. Các hầm chui qua đại lộ có cao độ mặt đường thấp hơn cao độ nền đường chung quanh, mỗi khi có mưa là nước dồn về gây ngập úng.
Anh Nguyễn Văn Sơn, sống tại khu đô thị Geleximco (quận Hà Đông) cho biết, mỗi khi mưa lớn, nút giao tại đường vào công viên Thiên Đường Bảo Sơn với Đại lộ Thăng Long lại bị ngập sâu, kéo dài có khi đến hai, ba ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, cực nhất là mỗi khi mưa lớn kết hợp triều cường, nhiều khu vực bị tác động cả 2 yếu tố trên gây ngập úng nghiêm trọng. Bà Đoàn Thị Hai, 65 tuổi, ở hẻm 719 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận, Quận 7) cho biết, cảnh mưa bị ngập, không mưa cũng ngập đã diễn ra nhiều năm nay ở đây, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như kinh doanh buôn bán của hàng trăm hộ dân.
Hầu hết người dân trong hẻm đều phải nâng nền nhà, có hộ nâng nền tới 2m nhưng vẫn ngập úng như thường. Ngay các tuyến phố Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh ở Quận 1 cũng không tránh khỏi cảnh bị ngập khi mưa lớn. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Xây dựng), trận mưa lớn trên diện rộng ngày 15/8 vừa qua đã khiến 47 tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập sâu.
Ngay tại đô thị ven biển như Đà Nẵng, hệ thống thoát nước cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trận mưa ngày 14/10 vừa qua, lượng mưa từ 650 đến 700mm đã khiến hệ thống thoát nước của Đà Nẵng hoàn toàn tê liệt, cả thành phố như chìm trong biển nước. Quận Sơn Trà có một bên là sông Hàn, một bên là biển, nhưng vẫn có hàng trăm khu dân cư, tổ dân phố bị ngập.
Sau cơn mưa lịch sử ngày 14/10 khiến cả thành phố Đà Nẵng “thất thủ”, cơ quan chức năng cùng người dân khảo sát tuyến cống dọc đường Hùng Vương, Lê Duẩn, phát hiện nhiều đoạn đã bị đất đá vùi lấp làm tắc cống, nắp thu nước nhiều chỗ bị người dân phủ ni-lông, vải bạt để hạn chế mùi khiến nước không thoát được. Hệ thống hạ tầng thoát nước chắp vá, các tuyến cống trong khu dân cư nhiều năm không được nạo vét, cống mới làm cao hơn cống cũ, trạm bơm chống ngập không có máy phát dự phòng, nên mỗi khi mất điện không hoạt động được…. là tình trạng chung trên địa bàn Đà Nẵng.
Hệ thống hạ tầng chắp vá, thiếu đồng bộ
Ngoài úng ngập, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn phải đối diện nguy cơ ô nhiễm rác thải sinh hoạt, bởi rác thải chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chỉ cần một sự cố xảy ra ở khu xử lý rác tập trung là rác thải ngập phố.
Mới đây, hồi giữa tháng 6/2022, nhiều tuyến đường ở Hà Nội bị ùn ứ rác thải sinh hoạt do dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoạt động chậm tiến độ, trong khi bãi chôn lấp rác thải quá tải, rác thải không được vận chuyển đến nơi xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thành phố Hồ Chí Minh bình quân mỗi ngày phát sinh khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt, xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm đến gần 70%, còn lượng rác được đốt, ủ phân compost và tái chế chỉ chiếm khoảng 30%. Khu liên hiệp xử lý rác thải Đa Phước (bãi rác chôn lấp lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh) đã quá tải, khiến người dân tại các quận 7, 4, Bình Chánh, Nhà Bè nhiều năm nay phải sống chung với mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Để khắc phục ô nhiễm môi trường do chôn lấp rác thải, các thành phố đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa 11 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế.
Tuy nhiên, mục tiêu này của thành phố đang gặp không ít thách thức khi lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, trong khi đó lại thiếu nhân lực thu gom, xử lý.
Tại Hà Nội, cuối tháng 7/2022, Nhà máy điện rác Sóc Sơn quy mô lớn nhất nước, công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương khoảng 5.500 tấn rác ướt/ngày bắt đầu vận hành sau nhiều lần trì hoãn.
Trước đó, tháng 3/2022, nhà máy điện rác với công suất 1.500 đến 2.000 tấn/ngày đêm cũng được khởi công tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến sẽ hoàn thành sau 20 tháng. Đây được xem là giải pháp xử lý hiệu quả khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày tại thành phố Hà Nội, hiện nay phần lớn mới xử lý bằng chôn lấp lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia, ngập úng triền miên tại các thành phố lớn sau mỗi trận mưa to do hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội chia thành ba vùng chính gồm: tả Đáy, hữu Đáy và bắc Hà Nội. Vùng tả Đáy diện tích khoảng 47.350 ha, gồm sáu lưu vực, nhưng đến nay chỉ có lưu vực sông Tô Lịch (diện tích 7.750ha) có hệ thống thoát nước được cải tạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước, nhưng mỗi khi xảy ra mưa vượt thiết kế 310mm/hai ngày, hoặc 70mm/giờ thì vẫn bị ngập úng cục bộ.
Năm lưu vực còn lại, gồm lưu vực Đông Mỹ, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn vẫn chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, chủ yếu tự chảy và tiêu thoát qua hệ thống tiêu, thoát nước nông nghiệp. Vùng hữu Đáy diện tích khoảng 31.310 ha và vùng bắc Hà Nội diện tích khoảng 46.740 ha, về cơ bản vẫn ở tình trạng “trắng đầu tư hệ thống thoát nước” theo quy hoạch, trong khi đây lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với nhiều khu đô thị, chung cư mới.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội bàn về các giải pháp chống úng ngập trên địa bàn vào ngày 2/11 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các ngành quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp. Đồng thời, thành phố khuyến khích các nhà đầu tư, các địa phương xây dựng khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc tiêu thoát nước mưa, nước sinh hoạt của thành phố chủ yếu thông qua hệ thống gần 3.000 tuyến sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép, xả rác xuống kênh, rạch vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, gây tắc nghẽn dòng chảy, bồi lắng cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước, khiến nước dâng cục bộ, trong khi đó, việc đầu tư nạo vét kênh, rạch còn rất hạn chế.
Ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), thời gian gần đây cũng thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ sau mỗi trận mưa to, nguyên nhân được xác định một phần do việc xây dựng nhà kính sản xuất nông nghiệp tràn lan, thiếu quy hoạch, kiểm soát; lấn chiếm lòng suối, làm hạn chế khả năng thoát nước.
Theo Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, nguyên Trưởng khoa Môi trường, Trường đại học Đà Lạt, những đợt nước mưa dâng cao gây ngập cục bộ tại Đà Lạt gần đây diễn ra với tần suất ngày càng dày đặc, có nguyên nhân từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly.
Những tấm ni-lông mái che nhà kính nông nghiệp có hệ số thấm nước bằng không, nước mưa dồn toàn bộ ra suối trong thời gian ngắn, dâng cao khiến các nhà dân vùng trũng bị ngập là điều hiển nhiên.