BVR&MT – Sẽ chẳng có bất cứ một đô thị nào trên thế giới này được xem là đẹp, là đáng sống lại không có nhiều cây xanh, bởi vậy cây xanh là cực kỳ quan trọng, đầy hữu ích với môi trường sống của cư dân đô thị.
Những ngày vừa qua, khi đọc được thông tin qua báo chí viết về hơn chục cây xà cừ cổ thụ tại đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) bị xâm hại phần vỏ, khi người ta dùng vật sắc nhọn khoét vào vỏ cây với các mảng rộng…, dư luận vô cùng bức xúc, bởi cây xanh được trồng trên các đường phố không chỉ có tác dụng che bóng mát, điều hòa dưỡng khí, mà cây còn được xem là “hồn đô thị”, làm cho thành phố xanh-sạch- đẹp hơn.
Sẽ chẳng có bất cứ một đô thị nào trên thế giới này được xem là đẹp, là đáng sống lại không có nhiều cây xanh, bởi vậy cây xanh là cực kỳ quan trọng, đầy hữu ích với môi trường sống của cư dân đô thị.
Thủ đô Hà Nội, TP.HCM…, là 2 trong số những đô thị ở nước ta có rất nhiều đường phố có quy hoạch từ thời Pháp thuộc, với các hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát. Có nhiều cây tuổi đời cả trên trăm năm, đường kính thân cây lên tới vài mét, và chiều cao cả mấy chục mét. Những hàng cây đại thụ ấy hiện diện chính là tài sản, là vốn quý trong đô thị mà các thế hệ chúng ta phải chăm sóc gìn giữ như những bảo vật.
Tôi cũng như nhiều người yêu cây xanh đô thị từng tiếc thương đến chảy nước mắt khi phải chứng kiến không ít đoạn đường, con phố có những hàng cây đại thụ rợp bóng mát bị cưa phá bỏ đi để mở rộng đường xá, để nhường chỗ cho cơ sở hạ tầng mở rộng, nâng cấp… Dẫu việc cây xanh bị phá bỏ đi là phục cho mục đích và lợi ích chung, dài lâu của thành phố, nhưng sự tiếc nuối bùi ngùi pha lẫn luyến tiếc là khó tránh khỏi với không ít người, nhất là những ai từng gắn bó với những hàng cây đại thụ mất đi từ thuở thiếu thời…
Quay lại với chuyện cây xanh đô thị bị xâm hại, thực ra không chỉ có những cây xà cừ bị người ta đục đẽo lớp vỏ nham nhở mới đây, mà từ nhiều năm nay vô vàn cây xanh ở khắp mọi nơi trong thành phố đều đã, đang bị chính người dân xâm hại âm thầm bằng nhiều phương cách.
Đã có những người thiếu ý thức không thấy được tầm quan trọng của cây xanh, chỉ vì cây đứng chắn trước cửa hàng cửa hiệu nhà họ, ảnh hưởng ít nhiều tới việc buôn bán, không gian mặt bằng phía trước…, để rồi họ đã âm thầm “đầu độc” những cái cây ở phía trước cửa nhà họ bằng cách đổ dầu nhớt, đổ nước đun sôi, nước muối… vào xung quanh gốc cây.
Khi bị tác động như vậy, cây có thể không chết ngay, nhưng trước sự “đầu độc” của con người như vậy thì không sớm thì muộn những cái cây đó sẽ chết, và một đời cây (kể cả cây cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm) cũng không thể nào kháng cự được trước sự độc ác, vô lương tâm của cách phá hoại như thế.
Khi có những cái cây bị chết như vậy, thường là Công ty cây xanh đô thị chỉ tới chặt bỏ đi, rồi trồng thay thế bằng một cây nhỏ khác, chứ không mấy khi họ điều tra xem vì sao cây chết, nguyên nhân ra sao…(?!). Mà kể cả họ có điều tra thì cũng khó lòng biết được bởi sự xảo quyệt quá độc ác của những con người cố ý triệt hạ cây xanh!
Chuyện người ta xâm hại cây xanh đô thị bằng những phương cách như: đóng đinh, vật sắc nhọn lên thân, cành cây; bao bó gốc cây bằng bê tông đến ngạt thở; hay bắt gốc cây phải gồng gánh biết bao nhiêu là bảng biển quảng cáo… là khá phổ biến.
Nếu đi dọc các đường phố có những hàng cây đại thụ, ví dụ như phố Lò Đúc (Quận hai Bà Trưng, Hà Nội), chịu khó để ý hẳn chúng ta đều thấy hầu như cây xanh nào cũng bị người ta đóng vào đó những cái đinh sắt to, dài, thậm chí có cây còn bị găm vào thân cả những thanh sắt dài tới vài chục cm. Đó chính hậu quả của sự xâm hại cây xanh vô tình mà những người bán hàng quán cạnh cây, hay anh thợ cắt tóc, bác sửa chữa xe đạp- xe máy… gây nên.
Họ đóng đinh, găm thanh sắt vào cây như vậy là để treo móc dây che bạt, treo thùng đồ nghề, thậm chí có người mê tín còn dùng thân cây đóng đinh treo bàn thờ để mỗi ngày họ hương khói cầu khấn cho buôn may bán đắt… Có những người còn đốt vàng mã, đốt lửa sưởi ấm vào mùa đông ngay tại sát gốc cây khiến sự sống của cây xanh bị ảnh hưởng rất lớn, và nhiều cây nhỏ thậm chí còn bị chết ngay tức thì sau vài ngày vì sức nóng của lửa khói.
Rồi chuyện người ta xâm hại cây xanh theo kiều mang dao rựa ra đẽo vỏ cây, ví dụ như vỏ những cây xà cừ mới bị xâm hại ở đường Láng, là vì dân gian thường truyền miệng nhau vỏ của loại cây này đắng, đun nước để điều trị bệnh ghẻ, bệnh ngứa là rất hiệu quả, vì vậy mà có không ít người đã âm thầm đi đẽo vỏ cây. chẳng vậy mà cây xà cừ ở đường Kim Mã, đường Bưởi, đường Hoàng Diệu… hầu như luôn luôn bị người ta xâm hại, đẽo gọt vỏ nhìn đến thảm thương.
Việc người ta xâm hại cây xanh bằng cách đóng đinh, ghim thanh sắt, gọt đẽo vỏ cây… thực ra không thể làm cây xanh chết, nhất lại là những cây đại thụ, nhưng sự ảnh hưởng là có thực. Chúng ta hẳn từng nhìn thấy thi thoảng có những cây xanh cổ thụ bị phình to bởi những cái khối u, bướu, tựa u bướu của cơ thể con người. Đó chính là những vết thương mà con người đã xâm hại đến cây xanh, và qua thời gian chúng đùn đẩy nhựa và tạo thành những cái u bướu như vậy khi vết thương đã lành.
Như tôi đã nói, chuyện người dân xâm hại cây xanh đô thị bằng nhiều cách luôn âm thầm diễn ra, vì vậy mà chính quyền các đô thị, các cơ quan chức năng có thầm quyền không thể thờ ơ, xem nhẹ và bỏ qua như bấy lâu nay được.
Cần phải thường xuyên kiểm tra giám sát những hàng cây xanh để khi phát hiện cây bị xâm hại sẽ lập tức ngăn chặn ngay. Đối với những cây xanh cổ thụ bị xâm hại theo kiểu tàn độc bị đổ hóa chất, nước sôi… đến chết thì phải điều tra và khi phát hiện chủ nhân của âm mưu hủy hoại cây xanh như vậy thì cần phải có hình thức xử phạt thật nặng, thậm chí có cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương ngăn ngừa những người khác tái diễn.
Với những cây bị đóng đinh, găm thanh sắt, bao bó gốc cây bằng xi măng, vật liệu cứng… thì phải tiến hành nhổ bỏ hết để bảo vệ tuổi thọ và sự phát triển bền vững của cây được lâu dài. Cũng cần phải tuyên truyền nhắc nhở, giáo dục cho người dân về việc xâm hại cây xanh là vi phạm, để mọi người không tái diễn nữa…