BVR&MT – Từng là xã nghèo thuộc diện thụ hưởng chương trình xã 135, đời sống kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, lạc hậu, nhưng cho đến nay, xã miền núi Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã thực sự “thay da đổi thịt”, trở thành một trong những xã điểm về phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Theo quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Văn Hán là một trong 7 xã của huyện Đồng Hỷ thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135, đời sống kinh tế, văn hóa, trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, sản xuất manh mún theo kiểu cũ, thiếu hiệu quả.
Văn Hán cũng được biết là xã có diện tích chè lớn nhất huyện với trên 900 ha, cây chè đã được trồng ở đây khoảng 60 năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương thì cây chè Văn Hán chưa mang lại giá trị kinh tế tương xứng với chất lượng chè ở đây. Nguyên nhân được cho là từ trước tới nay Văn Hán chưa quan tâm tới phát triển thương hiệu chè Văn Hán. Mặc dù cây chè là thế mạnh của xã nhưng nhiều năm trở về trước bà con nhân dân vẫn gặp không ít những khó khăn, nên đời sống nhân dân còn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo khá cao và phải dựa vào nhiều chương trình hỗ trợ từ Trung ương.
Theo ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: “Do đặc điểm những hộ nghèo phần lớn là người dân tộc, nên tâm lý còn ỷ lại, không muốn thoát nghèo vì còn dựa dẫm vào các chương trình từ Trung ương. Đảng bộ, chính quyền xã Văn Hán đã xác định, để giảm nghèo bền vững, việc làm đầu tiên là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của đồng bào, từ đó triển khai các chương trình sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực.”
Xác định được nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ, HĐND, UBND xã Văn Hán đã cho xây dựng chương trình hành động cụ thể, ưu tiên việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trước, sau đó mới thực hiện hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật sau. Những chương trình hỗ trợ khác như tiền điện, bảo hiểm y tế… xã vẫn thực hiện theo kế hoạch được phân bổ ngân sách hàng năm.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng bộ xã Văn Hán đã ban hành nghị quyết chuyên đề đối với cây chè và cây lâm nghiệp. Xác định cây chè là cây chủ lực phát triển kinh tế giúp nhân dân thoát nghèo, cây lâm nghiệp sẽ giúp dân làm giàu. Từ thực tế đó, UBDN xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép nhiều chương trình giảm nghèo của Trung ương và tỉnh Thái Nguyên, hỗ trợ nhiều hộ dân thoát nghèo, toàn xã hiện có trên 2.600 hộ dân, trong đó gần 2.300 hộ có nguồn thu nhập từ chè.
Cụ thể: UBND xã đã cử cán bộ phối hợp với trạm khuyến nông huyện Đồng Hỷ thực hiện đưa giống chè mới có năng suất, chất lượng, phẩm chất tốt vào các mô hình trồng thử ở những hộ nghèo, song song với việc hỗ trợ kỹ thuật, cây con giống, chính quyền Văn Hán còn hỗ trợ máy móc cho các hộ nghèo của xã. Do thực hiện tốt, lồng ghép nhiều chương Trình hỗ trợ người nghèo phát triển, đến nay cây chè đã cho năng suất chất lượng tốt, giá bán ra thị trường giao động trong khoảng 80.000 – 100.000 đồng/1kg, thu nhập bình quân đạt 10- 15 triệu/hộ/tháng
Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh Thái Nguyên, UBND xã Văn Hán đã đầu tư hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật chăm sóc, mở lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phối hợp với Ngân hàng chính sách cho vay vốn mỗi hộ nghèo là 50.000.000 để phát triển kinh tế. Cùng với phát triển kinh tế UBND xã thực hiện hỗ trợ, phát thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện… cho các hộ trong diện hộ nghèo. Song song với việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các gia đình hộ nghèo để thoát nghèo, UBND xã đã đầu tư xây mới nhiều công trình giao thông, công trình văn hóa…. Đến nay 70% xóm đạt xóm văn hóa, khám bệnh cho nhân dân với tổng số 2.557 lượt người, tiêm phòng cho trẻ em, uống vitamin A đạt 100%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 10,13% và giảm được 90 hộ nghèo.
Về Văn Hán hôm nay, nhiều công trình nhà cao tầng mọc lên san sát, có nhiều hộ còn mua sắm được ô tô nhờ làm chè và trồng rừng. Đến nay, đời sống nhân dân toàn xã đang từng bước đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm hàng năm. Để có được những thành quả trên là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác triển khai quyết liệt của chính quyền đem lại hiệu quả thiết thực của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Thái Nguyên.
Phượng Long