BVR&MT – Thị xã Sơn Tây trong những năm gần đây xuất hiện nhiều “điểm nóng” vi phạm về quản lý đất đai. Qua phản ánh của người dân, hàng loạt vi phạm đất đai, xây dựng chưa được các ban ngành chức năng thị xã Sơn Tây kiểm tra, xử lý nghiêm dẫn đến tình trạng san lấp, lấn chiếm đất, tách thửa phân lô trái phép tại xã Cổ Đông diễn ra công khai, khiến dư luận bức xúc.
Theo phản ánh, thời gian qua, người dân tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây bức xúc trước việc chính quyền UBND xã buông lỏng quản lý, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp đất trái phép. Cụ thể tại khu vực Suối Ốc, thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, một số cá nhân tổ chức mua đất rồi tự ý san lấp, lấn chiếm ao hồ để từng bước chiếm dụng, sau đó phân lô bán nền.
Có mặt tại thực địa, phóng viên ghi nhân về tình trạng lấn chiếm, đổ đất, san lấp toàn bộ khu vực Suối Ốc tại đây chủ đầu tư cho đổ đất lên diện tích để nuôi trồng thủy sản, diện tích khoảng 400 mét vuông.
Một diện tích lên đến hàng trăm mét vuông, được các đối tượng này tổ chức san lấp lấn chiếm lòng hồ Suối Ốc. Mặc dù sự việc này diễn ra rầm rộ, giữa ban ngày, xe di chở đất cày nát tuyến đường giao thông nông thôn, nhưng không hiểu vì lý do gì không thấy bóng dáng chính quyền đến ngăn chặn xử lý?!
Phía đối diện, ngay cạnh thửa đất đang được san lấp, cũng có một diện tích lớn hàng trăm mét vuông đất lòng hồ Suối Ốc, đã được người dân nơi đây tổ chức đóng cọc tre san lấp, lấn chiếm xong từ nhiều ngày trước đó.
Một người dân sống gần khu vực này cho biết, việc san lấp này diễn ra từ lâu, xe có tải trọng lên đến vài chục tấn, nối đuôi nhau chở đầy đất vương vãi đầy đường để tổ chức san lấp lòng hồ Suối Ốc, nhưng sự việc lại không bị chính quyền xã Cổ Đông ngăn chặn. “Không biết việc này nếu không có “bật đèn xanh” của người ở chính quyền thì làm sao mà có thể thực hiện được việc lấn chiếm lòng hồ Suối Ốc giữa ban ngày được?” người này đặt câu hỏi.
Trao đổi với phóng viên baovemoitruong.org.vn, ông Khuất Văn Xuyên – Chủ tịch xã Cổ Đông cho biết, sau khi nắm được thông tin phản ánh chúng tôi đã cử cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản vụ việc. Chúng tôi cũng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng toàn bộ việc san lấp trái phép và yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại nguyên hiện trạng như ban đầu.
San lấp, lấn chiếm đất nông nghiệp rồi rao bán như một dự án?
Mới đây, Phó Giám đốc Lê Thanh Nam, Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hà Nội ký quyết định 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ ký ngày 22/3/2022 về việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa đất. Đề nghị Ủy ban các quận, huyện kiểm tra rà soát báo cáo về việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn từ 1/2017 đến 31/1/2022 để báo cáo.
Mặc dù Sở tài nguyên Môi trường đã có văn bản chỉ đạo, kiểm tra siết chặt công tác quản lý thế nhưng dưới địa phương công tác quản lý vẫn có dấu hiệu lỏng lẻo để vi phạm diễn ra.
Bằng việc thu gom đất của một số cá nhân, hộ gia đình, sau đó làm hạ tầng, san lấp mặt bằng có dấu hiệu lấn chiếm đất nông nghiệp rồi tách thành các lô nhỏ để bán, đang tạo ra những hệ lụy cho thị trường và quy hoạch. Với nhiều hình thức một số doanh nghiệp, cá nhân gom đất của người dân trong thôn, làng sau đó san gạt mặt bằng, làm hạ tầng gồm đường giao thông đấu nối với đường chính, cột điện. Những khu đất này bao gồm có diện tích đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm.
Sau khi được một số doanh nghiệp hoặc cá nhân tiếp tay đầu cơ, khu đất tiếp tục tách thửa ra thành nhiều lô nhỏ, như một “dự án” hàng trăm lô để bán, nhận đặt cọc, sang nhượng cho người khác với giá cao trên trời nhằm kiếm lời.
Theo khảo sát của phóng viên baovemoitruong.org.vn tại thôn Đồng Trạng, Trái Láng xã Cổ Đông các thửa đất này diện tích lên tới hàng chục nghìn m2, được một số đối tượng tổ chức mua, sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rồi tự ý làm hạ tầng là đường giao thông và cột đèn thắp sáng và phân thành từng lô đất có diện tích trung bình là 65m2 và được rao bán tràn lan với giá dao động từ 26 – 28 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Đơn cử, như lời quảng cáo của môi giới tự giới thiệu là nhân viên Công ty CP bất động sản Luckyland (địa chỉ số 110 Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đang có quần thể “dự án” 293 lô sâu trong ngõ 209 Cổ Đông (thuộc thôn Trại Láng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) với diện tích rộng hơn 3,2ha.
Theo lời của môi giới cho biết, “dự án” được chia làm 2 khu và bán thành 2 giai đoạn. Cụ thể, khu 1 đã đưa ra quảng cáo 93 lô hiện bán được gần hết, hạ tầng đã hoàn thiện, trải thảm đường nhựa đường giao thông đấu nối với đường chính, hồ điều hòa và tường bao loan. Giai đoạn 2 có vị trí ngay sát cạnh đó, dự kiến số lượng 200 lô đang trong quá trình san lấp hạ tầng và làm thủ tục pháp lý. Dù khu đất mới đang được san gạt mặt bằng, hạ tầng còn đang xây dựng dang dở nhưng thông tin rao bán đã xuất hiện rầm rộ. Giá của lô có vị trí đẹp vào khoảng 25 triệu đồng/m2, còn lại sẽ giao động khoảng hơn 20 triệu đồng/m.
Tại các ngõ 313 đường Cổ Đông 2, ngõ 46 đường Cột Mốc cũng có tình trạng phân lô. Hiện các khu vực này đã hạ tầng là đường giao thông và cột đèn thắp sáng và phân thành từng lô đất có nhiều diện tích khác nhau.
Việc để một số đối tượng mua đất nông nghiệp sau đó tự ý làm hạ tầng, tách thửa. Sai phạm đã rõ mà chính quyền không hề hay biết, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Liệu có sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại? “Bật đèn xanh” cho sai phạm?
Liên quan đến nội dung trên trả lời phóng viên baovemoitruong.org.vn ông Khuất Văn Xuyên – Chủ tịch xã Cổ Đông khẳng định, trên địa bàn không có dự án nào được cấp phép đầu tư. Cũng không có doanh nghiệp nào có tên là Công ty Luckyland hoạt động. Chính quyền cũng đang rất đau đầu về việc này.
Về nguồn gốc đất ông Xuyên cho biết, bao gồm đất ở nông thôn và trồng cây lâu năm sau khi nhận chuyển nhượng họ đăng ký với phòng Tài nguyên môi trường (TNMT), sau đó Phòng TNMT trình Sở TNMT chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Phóng viên đề nghị được tiếp cận các văn bản hồ sơ liên quan đến kiểm tra các dự án “ma” mà phóng viên đã nêu. Ông Xuyên cho biết anh em phòng xây dựng đi vắng sẽ cung cấp cho phóng viên sau. Tuy nhiên đến nay đã gần một tuần trôi quan chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin từ UBND xã Cổ Đông.
Việc tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp thủy sản, ao hồ,… sang mục đích khác là vi phạm Luật Đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù tình trạng trên kéo dài nhiều ngày, ở nhiều địa điểm, song các cấp chính quyền xã Cổ Đông lại không hề biết?
Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về công tác quản lý nhà nước của UBND xã Cổ Đông khi để xảy ra tình trạng san lấp trên đất nông nghiệp, quản lý lỏng lẻo, tạo điều kiện để vi phạm diễn ra hay không?
Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những sai phạm nói trên; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm.
Nhóm PV BVR&MT