BVR&MT – Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước tuyên bố mới đây của Trung Quốc khi nước này cho phép sử dụng xương hổ và sừng tê giác từ các trang trại nuôi nhốt trong nghiên cứu y học và chữa bệnh, đồng thời hợp pháp hóa buôn bán nội địa các sản phẩm từ hổ và tê giác cổ.
WWF khẩn thiết kêu gọi Trung Quốc tiếp tục duy trì lệnh cấm buôn bán xương hổ và sừng tê giác vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác bảo tồn các loài mang tính biểu tượng này. Thậm chí, lệnh cấm cần được áp dụng đối với tất cả các bộ phận và sản phẩm từ hổ.
“Điều đáng lo ngại là Trung Quốc đã đảo ngược lệnh cấm xương hổ và sừng tê giác vốn được thực thi 25 năm nay, cho phép một hình thức giao dịch có thể gây ra hậu quả tàn phá ở mức độ toàn cầu”, Margaret Kinnaird, Trưởng phòng thực hành về động vật hoang dã của WWF nhấn mạnh.
Cũng theo bà Kinnaird, buôn bán xương hổ và sừng tê giác đã bị cấm vào năm 1993 tại Trung Quốc. Việc quốc gia này nối lại thị trường hợp pháp cho các sản phẩm nêu trên là một bước lùi rất lớn cho những nỗ lực để bảo vệ hổ và tê giác trong tự nhiên. Kinh nghiệm của Trung Quốc với buôn bán ngà voi nội địa đã cho thấy rõ những khó khăn trong việc cố gắng kiểm soát song song thị trường hợp pháp và bất hợp pháp. Chính sách này không chỉ dẫn đến nguy cơ buôn bán hợp pháp trở thành vỏ bọc che đậy cho buôn bán lậu mà còn kích thích nhu cầu vốn đã giảm nhiều từ khi có lệnh cấm.
Được biết, cả xương hổ và sừng tê giác đều đã bị loại bỏ khỏi dược điển truyền thống của Trung Quốc vào năm 1993 và năm 2010, Liên đoàn các Hội Y học Trung Hoa đã ra tuyên bố kêu gọi các thành viên không sử dụng xương hổ hay bất kỳ bộ phận nào khác của các loài đang bị đe dọa.
Ngay cả khi bị giới hạn ở đồ cổ và sử dụng trong bệnh viện, việc buôn bán này sẽ làm tăng sự nhầm lẫn của người tiêu dùng cũng như những người thực thi pháp luật về các sản phẩm hợp pháp và không hợp pháp, thậm chí, có khả năng mở rộng thị trường cho các sản phẩm khác từ hổ và tê giác.
“Quần thể các loài hổ và tê giác hoang dã hiện còn rất ít và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, do đó, hợp pháp hóa buôn bán các bộ phận của chúng thực sự là một canh bạc lớn của Trung Quốc. Quyết định này dường như mâu thuẫn với vị thế đi đầu gần đây của Trung Quốc trong việc giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, bao gồm việc đóng cửa thị trường ngà voi nội địa – một quyết định mang tính thay đổi cho loài voi và được cộng đồng toàn cầu nhiệt liệt hoan nghênh”, bà Kinnaird nói thêm.
WWF kêu gọi Trung Quốc thiết lập một kế hoạch và thời gian rõ ràng để đóng các cơ sở nuôi hổ hiện hữu được sử dụng cho mục đích thương mại. Các trang trại nuôi hổ này có nguy cơ cao đối với việc bảo tồn hổ hoang dã vì khiến việc thực thi thêm phức tạp và làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm từ hổ.
Nhật Anh (Theo wwf.panda.org)