BVR&MT – Theo một nhóm chuyên gia từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 3 là không cần thiết đối với đa số người dân.
“Bất kỳ quyết định nào về nhu cầu hoặc thời điểm tiêm liều vắc xin bổ sung cần phải dựa trên những phân tích về dữ liệu lâm sàng hoặc dịch tễ học được kiểm chứng đầy đủ”, nhóm chuyên gia cho biết trong một bài đăng trên tạp chí Lancet hôm 13/9.
Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới, như Israel, đã bắt đầu các chiến dịch tiêm liều vắc xin Covid-19 bổ sung. Mỹ cũng dựa trên những dữ liệu từ các nước trên để đưa ra biện pháp tương tự.
Song theo các chuyên gia, “những bằng chứng hiện tại không cho thấy nhu cầu tiêm liều vắc xin bổ sung đối với người dân thế giới nói chung, khi hiệu quả của 2 liều vắc xin trong việc chống lại các triệu chứng Covid-19 trở nặng vẫn ở mức cao”.
Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận một số cá nhân, chẳng hạn như những người có nguy cơ bị suy giảm miễn dịch, vẫn có thể được hưởng lợi nếu được tiêm liều bổ sung. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có thể được áp dụng rộng rãi hơn trong tương lai, nếu kháng thể từ 2 mũi tiêm chính suy yếu theo thời gian, hoặc nếu xuất hiện các biến thể mới của virus corona có khả năng kháng vắc xin mạnh hơn.
Dù vậy, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rủi ro vẫn có thể xảy ra nếu việc tiêm liều bổ sung được áp dụng quá sớm hoặc quá thường xuyên. “Nguồn cung cấp vắc xin hiện tại có thể cứu sống nhiều người hơn nếu được sử dụng cho những cộng đồng chưa được tiêm chủng trước đây”, họ cho biết thêm.
Các tác giả bài viết bao gồm Marion Gruber và Phil Krause, Giám đốc và Phó Giám đốc Phòng nghiên cứu & đánh giá vắc xin của FDA Mỹ, cùng các nhà khoa học Soumya Swaminathan, Ana-Maria Henao-Restrepo và Mike Ryan từ WHO.
Anh khuyến khích tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/9 tuyên bố nước này không còn xem việc phong tỏa là ưu tiên hàng đầu để phòng chống dịch Covid-19.
“Khả năng (phong tỏa) là vẫn có thể, nhưng nó chỉ xem như biện pháp cuối cùng. Như tôi đã nói, nhờ vào chiến dịch tiêm chủng, chúng ta đang ở một vị thế rất khác so với thời điểm bắt buộc phong tỏa”, Reuters dẫn lời người phát ngôn cho biết.
Về phần mình, ông Boris Johnson cũng cam kết sẽ làm mọi cách để bảo vệ đất nước. “Với tình hình hiện tại, chúng tôi rất tự tin vào từng bước mà chúng ta đang thực hiện”.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế Anh đã khuyến nghị tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi ở nước này, trước những lo ngại về việc số ca nhiễm mới có thể tăng nhanh sau kỳ nghỉ hè. Theo đó, trẻ em ở Anh trong độ tuổi trên sẽ được tiêm một liều vắc xin của Pfizer.
Giáo sư Chris Whitty, chuyên gia y tế hàng đầu của Anh, cho biết quyết định này được đưa ra sau khi các chuyên gia có sự cân nhắc về tính hiệu quả của việc tiêm phòng đối với việc ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm Covid-19 tại các trường học. “Đó cũng là một công cụ hữu ích để giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn trong quá trình học tập”, ông Whitty cho biết.
Cho đến nay, hơn 66,2% dân số Anh đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19. Dù vậy, quốc gia này trong hôm 13/9 vẫn ghi nhận thêm 28.614 ca nhiễm mới. Theo trang thống kê Worldometers, Anh hiện có hơn 7,2 triệu ca nhiễm và 134.200 ca tử vong bởi Covid-19.
Indonesia nhập hơn 9,5 triệu liều vắc xin từ Trung Quốc
Truyền thông Indonesia hôm 13/9 đưa tin, nước này đã tiếp nhận 3 lô vắc xin thành phẩm ngừa Covid-19 với tổng cộng với 9.592.640 liều.
Cụ thể, lô 58 với tổng cộng 2.296.960 liều vắc xin Covid-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) đã được chuyển đến Indonesia vào ngày 12/9 thông qua Cơ chế COVAX. Hai lô vắc xin còn lại đều được bàn giao trong ngày 13/9, trong đó lô 59 có khoảng 5 triệu liều được Indonesia đặt mua từ Sinovac, và lô 60 có 2.295.680 liều vắc xin cũng của Sinovac song được phân phối qua Cơ chế COVAX.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/9, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết tổng số vắc xin Covid-19 được nước này tiếp nhận cho đến nay đã lên tới hơn 240 triệu liều, nếu tính cả các loại vắc xin dưới dạng nguyên liệu thô hoặc đã được điều chế sẵn.
Bà Tarmizi cũng nói rằng, việc tiếp nhận các lô vắc xin mới này sẽ góp phần đẩy nhanh và mở rộng phạm vi tiêm chủng ở Indonesia. Tính đến hết ngày 12/9, 72.876.368 người dân Indonesia đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19, trong đó có 41.785.594 người được tiêm đủ 2 liều.
Indonesia trong ngày 13/9 ghi nhận thêm 2.577 ca nhiễm Covid-19 mới, mức thấp nhất kể từ ngày 15/5. Tổng cộng, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm và gần 139.000 ca tử vong bởi Covid-19.
Một số tin tức đáng chú ý khác:
– Theo trang thống kê Wordometers, thế giới đến rạng sáng ngày 14/9 (giờ Việt Nam) ghi nhận trên 225,8 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có trên 4,6 triệu ca đã tử vong. Tuy nhiên, 202,4 triệu người nhiễm Covid-19 đã bình phục, và khoảng 2,3 tỷ người, tương đương 30,3% dân số thế giới, đã được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
– Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) tuần qua đã cho phép công ty dược Sanofi sản xuất vắc xin Covid-19 Comirnaty của Pfizer-BioNTech. Theo ước tính của tạp chí Fortune, Sanofi, kết hợp với công ty dược Siegfried Hameln, sẽ sản xuất hơn 50 triệu liều vắc xin Comirnaty vào cuối năm nay.
– Cuộc thăm dò dư luận mới được đài truyền hình CNN và công ty khảo sát SSRS thực hiện hôm 13/9 cho thấy, 54% số người Mỹ được hỏi cho biết họ sẽ ủng hộ việc yêu cầu các nhân viên văn phòng phải tiêm vắc xin trước khi trở lại làm việc, trong khi 46% có quan điểm ngược lại.
– Phát biểu trong một hội thảo trực tuyến hôm 13/9, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch Covid-19 ở Bali, dù du khách đến hòn đảo này vẫn phải tuân thủ các quy định sức khỏe nghiêm ngặt.
-Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Pháp, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 ở nước này trong ngày 13/9 đã giảm 26 người so với ngày hôm trước xuống chỉ còn 9.986. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 8, số ca nhập viện vì Covid-19 ở Pháp giảm xuống dưới mức 10.000 người/ngày.