Vườn Quốc gia Yok Đôn vẫn đang bị “rút ruột”?

BVR&MT – Thời gian qua tình trạng vi phạm lâm luật diễn ra hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tài nguyên rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Không những vậy các đối tượng “lâm tặc” còn ngang nhiên đe dọa người dân và cả chính quyền địa phương bất chấp pháp luật (!?)

Được đánh giá là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, Vườn Quốc gia Yok Đôn có khoảng 115.000 ha rừng và đất lâm nghiệp giáp ranh tập trung trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện: Xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), xã Ea Bung, Chư M’Lanh (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) và xã Ea Pô (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).

Tuy nhiên theo kết quả rà soát của Ban chỉ đạo Tây Nguyên mới đây cho thấy trong những năm qua, diện tích đất rừng bị tàn phá do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý là 209.000 ha, các ban quản lý rừng là 11.200 ha, các công ty lâm nghiệp nhà nước 870.000 ha, các hộ gia đình 25.000 ha, các tổ chức kinh tế 23.000 ha và lực lượng vũ trang  là 21.000 ha. Trong đó UBND các cấp và Ban quản lý rừng phòng hộ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn để mất rừng là nhiều nhất.

Rừng thuộc VQG Yok Đôn đã bị chặt phá không thương tiếc.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng tràn lan, phát biểu tại hội nghị để bàn các giải pháp khôi phục rừng bền vững rừng Tây Nguyên nhằm ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn năm 2016-2020 diễn ra cuối tháng 6 năm 2017 vừa qua Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định rừng Tây Nguyên là “mái nhà Đông Dương”, là khu vực có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về an ninh quốc phòng cũng như có tầm ảnh hưởng về kinh tế – xã hội đến các tỉnh Miền Trung và Đông Nam Bộ. “Kiên quyết đóng cửa rừng Tây Nguyên”, đó là kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm bảo tồn hiệu quả 2,25 triệu ha rừng trên toàn quốc.

Mặc dù vậy, do lợi nhuận từ việc khai thác trái phép quá lớn, tài nguyên rừng dù không được cấp phép khai thác nhưng các cá nhân, đơn vị vẫn buông lỏng quản lý dẫn đến việc để “rút ruột” tài nguyên rừng, tàn phá môi trường. Các đối tượng đầu nậu, lâm tặc bất chấp pháp luật để khai thác trái phép, sẵn sàng uy hiếp lực lượng chức năng, lực lượng kiểm lâm và người dân khi phản đối. Hiện tại, rừng ở khu vực các Trạm số 8, Trạm số 9, Trạm số 3, Trạm số 2, Trạm Đăk Na thuộc VQG Yok Đôn rừng cũng bị đốn hạ không thương tiếc. 

Hình ảnh phóng viên Bảo Vệ Rừng Và Môi Trường đang có mặt tại hiện trường xảy ra vụ khai thác gỗ lậu tại Trạm số 3 của vườn quốc gia Yok Đôn.

Chính vì thế, để thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng lực lượng cán bộ kiểm lâm VQG Yok Đôn cần phải có những động thái quyết liệt, tránh thực trạng để những cây gỗ quý bị lâm tặc cắt vận chuyển gỗ đi rồi mới ghi bút lục thống kê (!?)

Thiết nghĩ, để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, nhân dân, lực lượng kiểm lâm phải kết hợp vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ tình hình an ninh ổn định. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Trong đó vấn đề mấu chốt quan trọng vẫn là trách nhiệm của chủ rừng, lực lượng kiểm lâm mà nhất là trách nhiệm của lực lượng Công an huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, địa bàn trọng điểm về vi phạm lâm luật thuộc VQG Yok Đôn.

Đồng thời phải phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên rừng để xử lý sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên rừng. Kiên quyết xử lý nghiêm túc. Bất cứ nơi nào đơn vị nào để khai thác rừng, tài nguyên rừng không có trong quy hoạch sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Bài, ảnh: Lê Vân