BVR&MT – Vườn Quốc gia Chư Mom Ray nằm cách thành phố Kon Tum 30km về hướng Tây Bắc, trải rộng trên hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Không những là 1 trong 10 Vườn di sản ASEAN của Việt Nam, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray còn là 1 trong 3 Vườn di sản có diện tích lớn nhất và có tính đa dạng sinh học cao nhất trong cả nước. Chính sự đa dạng, nguyên sơ đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho Vườn quốc gia Chư Mom Ray nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích hơn 56.000ha, tiếp giáp với Vườn quốc gia Virachey của Campuchia và Khu bảo tồn đông nam Ghong của Lào. Toàn bộ khu bảo tồn xuyên quốc gia này có diện tích rừng khoảng 700.000ha, có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Đông Nam Á.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray có cấu trúc địa hình đa dạng nên thảm thực vật ở đây rất phong phú về số lượng và đa dạng về số loài. Theo số liệu thống kê, nơi đây có gần 1.500 loài thực vật thuộc 166 họ và 541 chi, trong đó có 131 loài được xác định là quý hiếm bị đe dọa như các loài phong lan, lớp tuế, ngành hạt trần, các loài họ dầu và 2.000 loài thực vật quý hiếm như kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai. Về động vật, đã xác định được 620 loài, trong đó có 11 loài thú, 370 loài chim, 45 loài bò sát, 20 loài cá nước ngọt và 17 loài lưỡng cư, 57 loài côn trùng.
Đặc biệt, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có tới 114 loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Cánh đồng cỏ – thung lũng Ja Book rộng vào loại lớn nhất Việt Nam có diện tích hơn 9.000ha trong Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray đã thu hút nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt quan trọng sinh sống như mang Trường Sơn, trâu rừng, hổ, bò tót, bò rừng, voi, gấu ngựa, beo lửa và hàng trăm loài bò sát, lưỡng cư khác.
Ngoài ra, trên các đỉnh núi cao như Ngọc Vil, Ngọc Tu Ba, đỉnh Chư Mom Ray là nơi sinh sống của nhiều loài linh trưởng và các loài thú sinh sống trên cây như vượn, vọc, các loài chim quý như hồng hoàng, đại bàng đất, công.
Để bảo tồn đa dạng sinh học của môi trường rừng, tạo ra môi trường sinh thái bền vững, thu hút khách du lịch, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã triển khai và chủ động kết nối với các công ty lữ hành trong nước, tổ chức các đoàn famtrip đến với Vườn để khảo sát, tạo dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, tạo nên sự bền vững của rừng.
Cụ thể, Vườn đã xây dựng các chương trình tour đến thác Ya Ray, đến với thác Bảy tầng, thung lũng Ya Bốc, treeking đỉnh Chư Mom Ray. Phát huy thế mạnh sẵn có của mình, Vườn đã khai thác các tuyến du lịch sinh thái, khám phá các khu rừng nguyên sinh cao hơn 1.000m, quan sát thú lớn trên đồng cỏ, du lịch dã ngoại với thắng cảnh thiên nhiên đẹp và yên tĩnh như các thác nước, khu rừng sấu, tham quan rừng lồ ô trải rộng bạt ngàn. Điểm dừng chân ở suối Ngang, thác Nàng Tiên thơ mộng.
Với quyết tâm đưa Vườn Quốc gia Chư Mom Ray trở thành điểm du lịch hấp dẫn theo Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021 -2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 476/QĐ – UBND ngày 01/8/2022. Theo mục tiêu của Đề án, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng, tạo ra nguồn thu bền vững cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân tại địa phương.
Chưa dừng lại ở đó, giai đoạn 2021- 2030, tập trung đầu tư, phát triển các điểm du lịch : Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái ( xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy),rừng khộp Đắk Kan ( xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi) và điểm du lịch Safari Ya Book ( xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy). Thêm nữa, vườn Quốc gia Chư Mom Ray dự kiến sẽ khai thác 12 tuyến du lịch về sinh thái cảnh quan, du lịch sinh thái văn hóa và trải nghiệm văn hóa sinh thái như : Tuyến số 1 : Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái cây sấu. Tuyến số 2 : Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái thác Bê Rê 1 – Điểm du lịch sinh thái Safari Ya Book. Tuyến số 3: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lich sinh thái -đồi Charlie – Rừng khộp – Điểm du lịch Safari Ya Book – Thác 7 tầng. Tuyến số 4 : Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lich sinh thái Đỉnh Chư Mom Ray. Tuyến số 5 : Rừng khộp- Điểm du lịch Safari – Thác 7 tầng – điểm dù lượn Chư Tan Kra. Tuyến số 6 :Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái Cây Sấu – Trải nghiệm văn hóa làng Bar Gốc ( Văn hóa bản địa người J’rai). Tuyến số 7: Rừng khộp – Trung tâm- làng Bar Gốc. Tuyến số 8: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái – Thác Bê Rê I – Làng Kram ( Văn hóa bản địa người H’lăng). Tuyến số 9 : Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái Đỉnh Chư Tan Kra – Làng Chốt ( Văn hóa bản địa người J’ rai).Tuyến số 10 : Rừng khộp – Điểm du lịch Safari Ya Book – Văn hóa Rơ Mâm ( Làng Le – Văn hóa làng Chốt. Tuyến số 11: Làng Bar Gốc – Chư Tan Kra- Thác 7 tầng – điểm du lịch Safari rừng bằng Lăng – Rừng khộp. Tuyến số 12: làng Bar Gốc – Làng Chốt – Điểm dù lượn- thác 7 tầng.
Tổng vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 -2030 là 135.550 triệu đồng ( giai đoạn 2021 -2025 dự kiến 80.200 triệu đồng; giai đoạn 2026 – 2030 dự kiến 55.350 triệu đồng) từ nguồn vốn ngân sách đầu tư các công trình quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp du lịch sinh thái, nguồn xã hội hóa và nguồn vốn khác.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ rừng và Môi trường, ông Đào Xuân Thủy – Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết : Đề án sẽ được triển khai theo từng giai đoạn. Để thực hiện một cách hiệu quả, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua nhiều hình thức như sử dụng sức thu hút, quan tâm từ mạng xã hội. Đồng thời triển khai các tour , tuyến du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng, tham quan các điểm di tích lịch sử, thăm Vườn quốc gia kết hợp với cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Mặt khác, chú trọng đến công tác đào tạo du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng đón tiếp khách cho người dân bản địa để họ cùng tham gia làm du lịch, vừa kết hợp bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và tài nguyên văn hóa, cũng như giúp họ có thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lê Hồng