Vườn Quốc gia Bái Tử Long là Vườn Di sản ASEAN thứ 38

BVR&MT – Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh) đã chính thức trở thành Vườn Di sản thứ 38 của ASEAN. Lễ trao danh hiệu Vườn Di sản được tổ chức ngày 19/5, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Một góc Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Chương trình Vườn Di sản ASEAN là một trong những sáng kiến của Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, được triển khai thực hiện từ năm 2002. Vườn Quốc gia Bái Tử Long trở thành Vườn Di sản thứ 6 của Việt Nam và thứ 38 của ASEAN bởi hội tụ đầy đủ 6 tiêu chí: Tính toàn vẹn sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính bảo tồn cao, kế hoạch quản lý, bảo tồn và tính pháp lý.

Trước đó, Việt Nam đã có 5 Vườn Quốc gia được công nhân là Vườn Di sản ASEAN, gồm: Ba Bể, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray và U Minh Thượng.

Trong những năm qua, Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã cứu hộ, chăm sóc và thả về môi trường sống tự nhiên trên đảo Ba Mùn trên 200 cá thể động vật rừng và 5 cá thể rùa biển. Vườn Quốc gia Bái Tử Long cũng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế thực hiện nhiều dự án như: Dự án bảo tồn rùa biển; Dự án nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; Dự án hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và giáo dục môi trường…

Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn. Đến nay, 43 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động về đa dạng sinh học; 16 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh.

Quảng Ninh được biết đến là tỉnh có đa dạng sinh học cao và phong phú, giàu về thành phần loài, các thứ bậc phân loại. Số loài sinh vật được biết hiện nay là 4.350 loài, 2.236 chi, 721 họ thuộc 19 ngành của 3 giới động vật, nấm và thực vật. Toàn tỉnh có 154/4.350 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 56 loài và 128 loài trong Danh mục đỏ; trong số đó có 182 loài được ghi nhận là đặc hữu thuộc các bậc khác nhau.

Tuy nhiên, các hệ sinh thái nhạy cảm cũng đang bị suy thoái, thu hẹp, bị hủy hoại do hoạt động kinh tế của con người. Các bộ phân da dạng sinh học đang bị đe dọa do khai thác quá mức khiến nhiều loài hổ, gấu, ngựa… đã không còn được phát hiện ở Quảng Ninh, nhiều rạn san hô đã bị suy giảm một cách nghiêm trọng, khó có thể hồi phục.