BVR&MT – Bằng các giải pháp như: Xây dựng mô hình sinh kế bền vững, Trồng rừng tại khu phục hồi sinh thái, Bảo tồn đa dạng sinh học…, Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Nhằm giảm thiểu phụ thuộc rừng đặc dụng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã, lực phát triển mô hình sinh kế bền vững tại xã Thượng Nhật và Hương Lộc, huyện Nam Đông. Người dân và các tổ chức được nâng cao nhận thức, năng lực và kỹ năng về các mô hình sinh kế bền vững không phụ thuộc vào rừng. Vườn tiến hành bảo vệ tài nguyên rừng đặc dụng cho cộng đồng dân sinh sống ở vùng đệm nhằm giảm áp lực lên tài nguyên rừng đặc dụng.
Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng đã tiến hành triển khai dự án trồng rừng thuộc phân khu phục hồi sinh thái với diện tích 42,5 ha; chăm sóc rừng trồng sưu tập thực vật là 5 ha; phục hồi sinh thái với 132,7 ha; rừng băng xanh cản lửa là 24 ha. Thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích làm đường thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thiết kế trồng rừng, chuẩn bị cây giống để trồng rừng.
Trước đó, Vườn Quốc gia Bạch Mã triển khai công tác khoa học và hợp tác quốc tế phục vụ cho công tác bảo tồn, bảo tàng; trồng rừng thay thế thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan; thực hiện các hoạt động thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện có hiệu quả hợp phần của dự án “Tăng cường quản lý Khu mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã – Dự án Carbi”.
Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng tổ chức các “Câu lạc bộ kiểm lâm tý hon” và “Câu lạc bộ bảo tồn thiên nhiên” tại các trường học trên địa bàn các xã vùng đệm; thành lập mới 1-2 câu lạc bộ kiểm lâm tí hon; đồng thời thúc đẩy công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người trong quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học…
Lê Linh