BVR&MT – Gần nửa tháng kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, xã Chiêu Lưu, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đã ghi nhận 10 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Dịch bệnh xuất hiện ở địa bàn vùng núi, nơi nhận thức của đồng bào còn thấp khiến công tác phòng, chống dịch bệnh trở nên khó khăn gấp bội phần. Thế nhưng, nhờ phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đến nay dịch bệnh đã dần được kiểm soát.
Thần tốc chống dịch
Ngày 14/7 bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương ghi nhận 2 ca mắc COVID-19. Đây là một bản giáp ranh với xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, với lịch trình đi lại của các ca nhiễm phức tạp khi các ca bệnh này đều có vào địa bàn của xã Chiêu Lưu. Khác với các dân tộc khác, người Khơ Mú có lối sống tập trung nhà sát nhà chứ không thưa thớt như lối sống của các dân tộc anh em khác. Vì vậy ngay từ đầu chính quyền huyện Kỳ Sơn, xã Chiêu Lưu đã nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Ngay trong đêm 14/7 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Chiêu Lưu đã cấp tốc rà soát, truy vết các đối tượng có liên quan ngay trong đêm, đồng thời lập chốt tại bản Lưu Thắng – là bản giáp ranh giữa xã Chiêu Lưu với bản Chằm Puông, xã Lượng Minh. Tất cả kịch bản chống dịch đã được đưa ra ngay trong cuộc họp khẩn rạng sáng ngày 15/7. Không ngoài dự đoán ngày 17/7, bản La Ngan ghi nhận 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, ngày 18/7 thêm 2 ca nhiễm COVID-19 tại bản Lưu Tiến được ghi nhận.
Với trên 95% dân số 2 bản này là người dân tộc Khơ Mú, sinh sống tập trung, lâu nay nhận thức về dịch bệnh còn thấp nên ngay khi phát hiện các ca bệnh, huyện Kỳ Sơn lập tức áp dụng cách ly y tế toàn bộ bản La Ngan, Lưu Tiến, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn xã Chiêu Lưu. Đồng thời thành lập 9 tổ chốt chặn, kiểm dịch COVID-19 tại bản Lưu Thắng, Tạt Thoong, La Ngan, Lưu Hòa, Lưu Tiến, Khe Nằn, Bản Cù, Bản Lăn, Hồng Tiến. Cả hệ thống chính trị của huyện biên giới Kỳ Sơn nhanh chóng vào cuộc hướng về Chiêu Lưu.
Những ngày sau đó, lực lượng y tế được tăng cường, ngày đêm khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2. “Ngay khi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên, đội ngũ y bác sỹ đã cấp tốc lấy mẫu truy vết các trường hợp liên quan. Vì đồng bào ở đây sống tập trung, lại có mối quan hệ họ hàng nên tiếp xúc nhiều, trong khi nhận thức về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế nên số lượng các trường hợp F1, F2 khá đông. Ngoài ra đây cũng là thời điểm đang vào vụ làm nương làm rẫy nên nhiều gia đình đi làm nương làm rẫy nhiều ngày không về nhà, lực lượng y tế buộc phải đến tận nơi lấy mẫu, rất vất vả” bác sỹ Moong Văn Tuấn, Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn cho hay.
Phát huy “4 tại chỗ”
Để phòng, chống dịch hiệu quả công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, người dân dần nhận thức sự nguy hiểm của dịch bệnh đã nghiêm túc thực hiện tốt các quy định phòng dịch. Dịch COVID-19 bùng phát khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Nguồn lương thực tích trữ ít ỏi đã nhanh chóng cạn kiệt. Mọi nguồn lực được huyện Kỳ Sơn huy động tiếp tế cho Chiêu Lưu. Lương thực, nhu yếu phẩm được chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm cung cấp kịp thời với phương châm không để người dân nào thiếu đói, không để người dân nào đơn độc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Chị Vi Thị Lan, bản Lưu Hòa, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát tại địa phương người dân đều phải ở nhà theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Dù đang là mùa nương rẫy nhưng mọi người đều phải ở nhà, ngô gạo tích trữ đã dùng hết, nhà không có tủ lạnh nên thực phẩm không tích trữ được nhiều. Mấy ngày nay lương thực, thực phẩm chủ yếu được chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ, người dân cũng rất yên tâm chống dịch, hi vọng dịch bệnh sớm qua để cuộc sống trở về bình thường.
Trong khi lực lượng y tế xuyên đêm truy vết, xét nghiệm các trường hợp liên quan thì ở “hậu phương” công tác hậu cần cũng được các đoàn viên thanh niên, các tổ chức xã hội đảm bảo. Hàng trăm suất cơm được các đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ chuẩn bị mỗi ngày để cung cấp cho lực lượng chống dịch, những người cách ly với mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được dập tắt.
Anh Lương Văn Mân, Phó Bí thư Đoàn xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, với vai trò là lực lượng xung kích Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho nhân dân về cách thức phòng, chống COVID-19. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với ban, ngành xã như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… các tổ chức đoàn thể nấu ăn cho những người bị cách ly.
Ông La Đức Thoại, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn chia sẻ, từ ngày 21/7 đến nay trên địa bàn xã Chiêu Lưu không ghi nhận ca nhiễm mới. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị huyện Kỳ Sơn nói chung và xã Chiêu Lưu nói riêng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là khi các công dân đi làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh về quê tránh dịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Chiêu Lưu đã kêu gọi đóng góp ủng hộ, huy động mọi nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch. Chính quyền địa phương đã thành lập tổ tuyên truyền lưu động với phương châm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng (tiếng Thái, tiếng Khơ Mú, tiếng phổ thông) để nhân dân nắm rõ. Đồng thời, thành lập các tổ tiếp tế, tổ phản ứng nhanh để kịp thời cơ động trong mọi tình huống.