BVR&MT – Cách đây tròn 78 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng Tháng Tám thành công với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới-độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Người nhấn mạnh quan điểm: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” để từ đó xác định mục tiêu đưa con thuyền cách mạng nước ta đi đến thắng lợi trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước đến ngày hôm nay.
Nhớ về mốc son lịch sử Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, chúng ta càng trân quý những giá trị tư tưởng vĩ đại về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập. Đó là những giá trị bất hủ, vẫn còn mang tính thời sự.
Trong thời đại mới hôm nay, toàn Đảng, toàn dân không ngừng phấn đấu vì quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, đưa đất nước Việt Nam phát triển. Đặc biệt sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập, vượt qua bao khó khăn, thách thức, đất nước gặt hái nhiều thành tựu to lớn rất đỗi tự hào.
Vững bước trên con đường vẻ vang, đất nước ta đang nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đó là tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện; ổn định chính trị-xã hội được giữ vững; quốc phòng-an ninh được bảo đảm. Bằng cố gắng và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện, góp phần đưa đất nước phát triển trên nhiều lĩnh vực và mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra cả thời cơ và không ít thách thức.
Một trong những nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sự suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, bôi nhọ, bóp méo sự thật, hòng phá hủy những thành quả tốt đẹp mà nhân dân ta đã gây dựng. Thực tế đó đòi hỏi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành quyết liệt, nghiêm túc hơn nữa để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi đạo đức, tri thức, nghiệp vụ để có thể hoàn thành tốt công việc được giao. Không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực thực hiện để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân.
Thời gian qua, khắc phục tình trạng bị động, lúng túng và thiếu toàn diện trong công tác lập pháp, Đảng đoàn Quốc hội đã trình với Bộ Chính trị để ban hành Kết luận 19-KL/TW; qua đó đưa ra định hướng xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ để cụ thể hóa và thể chế hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tạo điều kiện cho Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan chủ động hơn, bao quát hơn trong xây dựng pháp luật – chức năng căn bản và quan trọng nhất của Quốc hội.
Thông điệp mạnh mẽ, thống nhất và xuyên suốt đó được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển tải trên nhiều diễn đàn lớn, tạo sức lan tỏa. Quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, đã nhấn mạnh rất rõ tính chất “là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022, của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII xác định, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần “đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bài học và tinh thần bất diệt của Quốc khánh 2/9 mãi mãi cổ vũ, soi đường chúng ta đi, với niềm tin và quyết tâm thực hiện thật tốt tinh thần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà nước pháp quyền do dân là chủ và dân làm chủ; Nhà nước pháp quyền phải có “thần linh pháp quyền” và “thượng tôn pháp luật”; Nhà nước “liêm khiết”, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ cùng những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mãi mãi soi đường cho chúng ta đi, đưa đất nước tiến tới mục tiêu phồn vinh, hạnh phúc.