BVR&MT – Đón Tết cùng thời điểm như đồng bào các dân tộc khác nhưng Tết của người Dao có những nét đặc trưng riêng. Ăn tết 2 lần song không rềnh rang tốn kém, với người dân tộc Dao, ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết là dịp để con cháu báo hiếu với tổ tiên, anh em họ mạc quây quần cầu chúc cho nhau đón xuân bình an và no ấm.
Mưa lất phất như những hạt bụi li ti rắc đầy vai áo người qua đường, phủ trên bề mặt từng lá cây, ngọn cỏ, trông tựa như người con gái được điểm phấn, tô son chào đón xuân về. Đối với chúng tôi, những ngày áp Tết được lãng du ở những xóm bản vùng cao xa xôi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là một món quà thú vị mà nghề báo ban tặng.
Dịp chuẩn bị đón Tết năm nay, điểm đầu tiên chúng tôi chọn dừng chân cùng bà con chuẩn bị đón Tết với bà con dân tộc Dao là xóm Nác, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Với cộng đồng người Dao, tính từ ngày 20 tháng Chạp trở ra là thời điểm đón Tết cuối năm. Và mỗi dòng họ sẽ chọn ra một ngày đẹp để tổ chức ăn Tết. Thường ngày Tết chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, tại gia đình đang giữ bàn thờ của dòng họ hay còn được gọi là bàn thờ cao. Người được rước bàn thờ cao về là người chuẩn bị được cấp sắc. Bàn thờ sẽ chuyển cho thành viên khác trong họ tộc theo thứ tự từ trên xuống khi gia chủ hoàn thành việc cấp sắc. Không ai nhớ Tết cuối năm của người Dao có từ khi nào, chỉ biết rằng khi có người Dao là có Tết cuối năm.
Đối với Triệu gia, dòng họ đầu tiên có mặt ở xóm Nác, Tết cuối năm này được tổ chức tại nhà anh Triệu Tiến Hiện. Để chuẩn bị cho một ngày tết thì ngay từ sáng sớm, những đại diện đầu tiên trong họ đã đến giúp gia chủ sửa soạn cỗ. Mỗi gia đình sẽ góp một con gà và một chai rượu. Lễ vật trước hết là dâng cúng tổ tiên, sau là làm cỗ cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên. Bài cúng mời tổ tiên, thần linh về ăn Tết được thầy đọc liền trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Lễ vật cúng không quá cầu kỳ, chỉ cần có gà, rượu và bánh dày hoặc bánh chưng. Người Dao không dùng vàng mã bán ngoài thị trường đốt gửi cho tổ tiên mà dùng giấy bản. Trên bàn thờ, vào ngày Tết thay vì thắp hương, người Dao vào rừng lấy cây gỗ hương về đốt. Đây là loại cây có mùi thơm rất đặc trưng, được đặt trong một cái bát có lót than hoa bên dưới. Những nghi lễ này, nhiều đời nay vẫn được người Dao duy trì theo đúng phong tục, tập quán.
Còn cỗ mời các thành viên trong gia tộc, hàng xóm, bạn bè thân thích thì tùy theo điều kiện gia chủ sắp xếp. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nên những mâm cỗ đoàn viên ngày áp Tết cũng ngày càng đủ đầy hơn. Có những năm, ngoài thịt gà, thịt lợn, một số gia đình còn thịt thêm dê để chế biến món ăn đãi khách. Anh Triệu Tiến Hiện, ở xóm Nác chia sẻ: “Tết cuối năm là dịp anh em họ hàng tập trung, cùng nhìn lại xem mình đã làm và chưa làm được những gì, xí xóa cho nhau lỗi lầm, hiềm khích trong năm cũ để đoàn kết, vui vẻ đón chào năm mới”.
Cũng có mặt tại nhà anh Hiện, là dâu mới của dòng họ, lần đầu được đón Tết theo phong tục của nhà chồng khiến chị Trần Thị Huệ, xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, Phú Bình, Thái Nguyên nhớ lại với giọng kể không khỏi bỡ ngỡ: “Mình là người dân tộc Kinh, lần đầu tiên biết thế nào là ăn Tết bàn thờ cao. Sáng sớm 2 vợ chồng dậy bắt gà, lấy rượu mang sang nhà chú Hiện rồi cùng mấy anh em nữa vào bếp làm cỗ mình vừa thấy lạ lại vừa thấy vui.
Được cùng nhau chuẩn bị lễ dâng cúng tổ tiên của dòng họ khiến mọi người gẫn gũi nhau hơn. Mình nghĩ đây cũng là dịp để con cháu tự cảm nhận được trách nhiệm của bản thân với dòng họ. Chồng mình bảo, sau bữa cơm đoàn viên cuối năm, trong ai cũng đầy quyết tâm làm được nhiều việc tốt đẹp để cuối năm tổng kết, báo cáo, cảm tạ thần linh, tổ tiên và chia vui với họ hàng”.
Chia tay với các thành viên của dòng họ Triệu gia, chúng tôi háo hức đến hòa cùng không khí đón Tết của các dòng họ Triệu Mốc, Triệu Xanh, Triệu Con,… xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Cả xóm có 297 hộ thì có tới 296 hộ là người Dao.
Được biết, tục ăn Tết cuối năm của người Dao ở đây cũng gần giống ở Võ Nhai. Trong lễ góp với gia chủ đang đặt bàn thờ cao của người Dao ở Mỏ Sắt có thêm 2 tờ giấy bản (thay cho vàng mã). Mỗi tờ giấy bản sẽ được chia đều làm 5 ô và chiện dấu vào từng ô. Thông thường mỗi người âm của dòng họ sẽ được con cháu dâng cúng 3 tờ giấy bản, tương đương với 15 ô tiền. Trong lễ cúng, thầy khấn và tung 2 thanh tre (xin đài), nếu hai thanh tre không cùng ngửa hoặc úp thì gia chủ phải tiếp tục chia thêm tiền âm. Mâm lễ ở bàn thờ cao của người Dao ở Hợp Tiến hầu hết phải có bánh dày. Bánh chưng chỉ bày ở bàn thờ thấp của gia đình. Ngày Tết trước cửa ra vào và trên chính giữa bàn thờ của thường dán giấy đỏ.
Là thầy từ năm 18 tuổi, đã có hơn 40 năm làm lễ cho gia đình và nhiều dòng họ khác, ông Triệu Tiến Tề lý giải: “Giấy đỏ dán trong nhà ngày Tết giống như ký hiệu để tổ tiên biết gia chủ đang chờ đón họ về thụ hưởng lễ vật, phù trì cho con cháu. Trong mâm cơm ngày Tết của người Dao xóm Mỏ Sắt thường không thể thiếu món khâu nhục, gà sống thiến và rượu nấu bằng men lá tự làm. Đặc biệt là món canh bằng cái rượu được ủ lên men tới độ ngọt nhất định cho vào nấu cùng gừng và thịt lợn. Uống bát canh rượu vừa cho cảm giác thơm ngậy, ấm và còn có vị bùi ngọt khó quên”.
Sau khi ăn Tết cuối năm, các gia đình sẽ tổ chức đón Tết năm mới. Mỗi gia đình sẽ chọn một ngày phù hợp để mời họ hàng, làng xóm bạn bè đến chung vui, luân phiên nhau trong họ. Ngày Tết năm mới của người Dao thường trong khoảng từ ngày mùng 1 đến 15 tháng Giêng (âm lịch). Giống như Tết cuối năm, Tết năm mới mỗi gia đình người Dao cũng chỉ tổ chức trong một ngày không rềnh rang tốn kém nhưng đầy ắp không khí ngày Xuân.
Mộc Sa – Hoàng Văn