BVR&MT – Mặc dù bị thiệt hại do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa phòng, chống dịch bệnh ở vựa hoa xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội), nhưng người dân đã chủ động liên hệ thuê nhân công ở ngoài vùng dịch thay mình bảo vệ, chăm hoa chờ ngày tái đầu tư, sản xuất.
Chấp nhận thiệt hại để chống dịch
Trời vừa tạnh mưa, chị Thúy Loan mặc quần áo bảo hộ, khẩu trang đeo ngang mặt, khoác bình ra phun thuốc cho ba sào hoa hồng đang trổ ngọn. Chưa được nửa ruộng thì có tiếng loa của đội tuần tra: “Ðề nghị chị về nhà ngay, chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh”. Trước sự cương quyết của chiến sĩ tuần tra, chị Loan dừng lại, quay về.
Từ ngày 7-4 bị phong tỏa (28 ngày) để phòng, chống dịch Covid-19, gần 11 nghìn người dân ở thôn Hạ Lôi đứng ngồi không yên. Công việc thường ngày của họ là chăm sóc cho hoa, tỉ mỉ, tận tâm như người nuôi con mọn những mong hoa thắm, hoa thơm. Cữ này các năm trước, hoa tươi cười ở chợ. Hoa đi muôn nơi với các loại hồng thắm, cúc vàng, ly và loa kèn. Nhưng nay cả khu chợ vốn luôn nhộn nhịp kẻ bán người mua, như bị đóng băng, mọi thứ ngưng trệ. Ông Ðặng Quang Mỹ, trưởng xóm Hội (Hạ Lôi), chủ nhân của hai mẫu ruộng, nghẹn ứ: “Vào đúng những ngày đầu phải phong tỏa thì ba sào hoa loa kèn nhà tôi đến kỳ thu hoạch. Vậy mà đành để đó. Tiếc lắm, nhưng phải chấp hành để phòng dịch bệnh…”.
Ði tiếp sang cánh đồng thuộc xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), gặp hai người dân đang nhổ ruộng cúc quá lứa đã ngả màu úa. Một vài người đang ngồi nghỉ ngay cạnh mấy bình phun thuốc. Hỏi ra, họ là những người ở ngoài vùng cách ly, được người dân Hạ Lôi thuê đi làm. Chị Nguyễn Thị Tâm, người dân xã Tiền Phong chỉ tay về những ruộng hồng đang rực rỡ khoe sắc: “Trước ruộng hoa hồng kia cắt bán được giá lắm. Nhưng giờ người trồng lẫn người mua bán hoa đều đứt ruột nhìn hoa tự nở, tự tàn. Có cắt hoa mà không được mang ra ngoài bán thì cũng đành đánh đống ở đầu ruộng”, chị Tâm nói.
Chia sẻ thêm về thiệt hại, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng xóm Chợ (Hạ Lôi) cho biết: “Khoảng 20 nghìn cành hoa các loại như hồng, ly, cúc nằm trong kho lạnh trước thời điểm cách ly cũng đành phải bỏ đi, vì không ai được mang ra ngoài bán”. Ðiều ông Nguyễn Văn Thanh lo ngại hơn cả, đó là nguy cơ hoa, chậu hoa giống, cọc sắt, rào sắt bị kẻ gian lấy trộm. Có kẻ đã đánh cả ô-tô đến các xã lân cận như Thanh Lâm, Tam Ðồng, Văn Khê… là những nơi người dân Hạ Lôi thuê phục vụ sản xuất để cắt trộm hoa đi bán.
Hiện tại người dân đang nỗ lực liên hệ với người bên ngoài vùng cách ly, nhờ bảo vệ, chăm sóc cây hoa, đặc biệt là diện tích hoa hồng. Chính quyền các xã lân cận cũng đã vận động người dân cùng bảo vệ tài sản của người Hạ Lôi đầu tư tại địa phương.
Mong ngày hết cách ly
Theo ông Phạm Thành Ðô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, toàn xã có 242 ha trồng hoa, chủ lực là cây hồng Pháp, tiếp đó là hoa hồng thế và các loại cúc, ly, riêng thôn Hạ Lôi trồng 210 ha. Ðể mở rộng vùng trồng hoa, người dân đã đi thuê thầu đất ở các xã bên cạnh khoảng 90 ha để trồng. Trước tình cảnh người dân chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội đã họp và chuẩn bị thực hiện gói hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trên toàn thành phố nói chung. Huyện Mê Linh cũng đã được giao kế hoạch hỗ trợ bà con chuẩn bị tinh thần khôi phục sản xuất, bởi cũng sắp đến ngày hết hạn cách ly. Một số người trong diện được hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng đã nhận được tiền, giúp bà con lạc quan hơn, vượt qua khó khăn, ông Ðô cho biết.
Vốn là người buôn hoa, nhưng kể từ chợ hoa Mê Linh – vựa hoa lớn nhất khu vực tạm ngưng hoạt động, chị Nguyễn Thị Tâm, anh Phùng Văn Hải, anh Nguyễn Văn Sáng… lại “quay như chong chóng” với vai trò người làm hộ. “Các anh chị là họ hàng, hoặc mối quen ở Hạ Lôi “a-lô”, thế là chúng tôi lên đường giúp. Chỉ mong bỏ công sức để đến hết cách ly thì gỡ lại được chút ít”, chị Tâm bộc bạch. Còn anh Nguyễn Quang Mạnh, người dân xóm Chợ thuê 1,5 mẫu ruộng ở xã Thanh Lâm, bị kẻ gian nhổ trộm cọc sắt trị giá khoảng 30 triệu đồng, cho biết anh đã nhận được những lời thăm hỏi của các cơ quan chức năng khi gặp thiệt hại. “Ðó là thiệt hại chung không chỉ riêng gì ở Hạ Lôi. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần, chỉ sau khi hết hạn cách ly, các cơ quan chức năng cho người dân đi làm lại thì sẽ bắt tay vào làm vụ hoa mới”, anh Mạnh chia sẻ.
Là người gắn bó với công việc trồng hoa của bà con, ông Bùi Mạnh Tiến, Trạm trưởng Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh bày tỏ: “Trồng hoa phải phun thuốc bảo vệ thực vật, hoa hồng là cây nhiều vụ, trung bình phun 4 kỳ/tháng. Theo thứ tự các kỳ là: phun phát mầm, kích thích, trừ nấm, trừ sâu hoặc nhện. Chỉ cần bỏ qua một kỳ là sâu bệnh tiến công. Việc các hộ dân nhờ người phun thuốc trừ bệnh, mong còn giữ được cái gốc cây hồng để nuôi cho vụ sau là vô cùng cần thiết. Bởi hoa hồng là cây nhiều vụ, còn gốc tức là còn vốn để làm”.
Trước những khó khăn của bà con thôn Hạ Lôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, huyện đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tìm cách giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ bà con vay vốn, phục hồi sản xuất. Ông Nguyễn Nhân Vinh (xóm Hội) khẳng định: “Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mê Linh đã luôn song hành cùng bà con. Mong rằng sau đợt này chúng tôi được hỗ trợ nhiều hơn về vay vốn tái sản xuất”.