BVR&MT – Lãnh đạo địa phương khẳng định một số cán bộ bảo kê, tiếp tay để “lâm tặc chúa” trả tiền cho “lâm tặc con” vào rừng khai thác gỗ trái phép về bán lại, làm giàu cho “lâm tặc chúa”.
Ngày 2/4, UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Công ty MDF Vinafor Gia Lai (Công ty MDF) đề nghị kiểm tra, xử lý trường hợp tập kết gỗ lậu tại lâm phần do công ty quản lý. Động thái trên được thực hiện sau khi Báo Người Lao Động phản ánh tình trạng phá rừng, bảo kê, tiếp tay cho lâm tặc trong bài “Lâm tặc chúa” nuôi “lâm tặc con”.
Sợ bị trả thù
Theo UBND huyện Krông Pa, người dân phản ánh hiện nay trên địa bàn huyện, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên diễn ra công khai. Sau khi khai thác, các đối tượng phá rừng tập kết gỗ tại khu vực rừng trồng thuộc quyền quản lý của Công ty MDF và chờ thời điểm thuận lợi để đưa đến nơi tiêu thụ. Do đó, chính quyền địa phương nghi ngờ có nhân viên Công ty MDF bảo kê, làm đầu nậu mua bán, vận chuyển gỗ trái phép.
UBND huyện Krông Pa yêu cầu Công ty MDF khẩn trương kiểm tra, xử lý trường hợp tập kết gỗ lậu tại rừng trồng của công ty, có phương án xử lý, thay thế đối với nhân viên trực tiếp quản lý khu vực rừng trồng có gỗ tập kết và nhân viên làm đầu nậu.
Trong thời gian phóng viên thâm nhập thực tế việc phá rừng ở huyện Krông Pa cũng phát hiện khoảng 3 m3 gỗ đã xẻ hộp, được cất giấu rải rác trong lâm phần của Công ty MDF nên đã báo cho lực lượng kiểm lâm bắt giữ.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ của Công ty MDF thừa nhận có biết việc lâm tặc lợi dụng rừng trồng của công ty để tập kết gỗ, khi phát hiện việc này cũng không báo cho lực lượng chức năng. “Chúng tôi ở đây quản lý mấy trăm hecta rừng keo, bạch đàn. Biết lâm tặc lợi dụng cất giấu gỗ lậu nhưng nếu báo cho chính quyền bắt giữ mà lộ ra thì sẽ bị trả thù, đốt rừng. Lúc đấy thì ai chịu trách nhiệm, ai đi dập lửa, ai đền bù cho chúng tôi?” – người này nói và cho biết việc bắt lâm tặc là trách nhiệm của chính quyền, của chủ rừng, của kiểm lâm chứ không thể đổ lỗi cho công ty được.
Gỗ lậu khắp nơi
Tại tỉnh Gia Lai, Krông Pa là một trong những huyện hiếm hoi còn diện tích rừng lớn, trữ lượng gỗ nhiều. Do đó, nơi đây trở thành miếng mồi ngon cho các lâm tặc nhòm ngó.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết đã thống kê được toàn huyện có 1.077 “lâm tặc con”, một vài “lâm tặc chúa”. Trong đó, 3 khu vực mà “lâm tặc chúa” tập trung, hoạt động rầm rộ nhất là xã Ia Rsai, Chư Rcăm và thị trấn Phú Túc. Hằng ngày, các “lâm tặc con” sẽ vào rừng khai thác gỗ rồi bán lại và làm giàu cho các “lâm tặc chúa”.
Trong những ngày có mặt tại huyện Krông Pa, chúng tôi ghi nhận nhiều cánh rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Sông Ba và các cánh rừng cộng đồng do UBND các xã quản lý bị phá khủng khiếp.
Đặc biệt, tại những cánh rừng của BQLRPH Nam Sông Ba quản lý, lâm tặc mở đường sâu vào lõi rừng để khai thác gỗ. Chúng còn làm luôn lán trại để khai thác gỗ với quy mô lớn. Sau khi khai thác hết vị trí này, lâm tặc mở đường khác tiếp tục khai thác. Tại hiện trường, vô số gốc cây đường kính từ 20-80 cm đã bị cưa hạ, xẻ hộp để lấy phần thân giá trị. Cành, bìa gỗ được chất vào gốc để đốt nhằm phi tang.
Mới đây, lực lượng chức năng huyện Krông Pa đã bắt giữ 106 hộp gỗ tại tiểu khu 1432, thuộc lâm phần của BQLRPH Nam Sông Ba quản lý. Trước đó, trong 3 ngày, lực lượng xã Ia Dreh đã phát hiện tại tiểu khu 1429 và 1427 có 22,4 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ và 1 ôtô đang được tập kết chở gỗ đi tiêu thụ.
Tại các cánh rừng cộng đồng làng Chơ Tung, xã Ia Dreh, nhiều cây gỗ sau khi bị cưa hạ đang nằm ngổn ngang. Nhiều cây đã bị xẻ thành hộp nhưng vẫn chưa được đưa khỏi hiện trường.
Ông Hồ Văn Thảo cho biết từ hôm 15-3, xã lập nhóm “Ban chỉ đạo giữ rừng” để kịp thời thông tin, xử lý các vụ việc phá rừng. Từ khi lập nhóm, ngày nào cũng có thông tin việc phá rừng, bắt giữ tang vật, phương tiện. “Khi họp với các xã để đưa ra những biện pháp giữ rừng, tôi nghe báo lại “lâm tặc chúa” kêu “lâm tặc con” cứ vào rừng khai thác, bị bắt mất xe thì mua cho xe khác” – ông Thảo kể và cho biết việc phá rừng có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ.
Tại Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, gỗ tang vật và các phương tiện gần như kín cả bãi giữ. Thậm chí, sau lưng trụ sở Công an xã Ia Dreh cũng có hàng chục hộp gỗ tang vật được chất thành đống.
Không thể đổ thừa do dân nghèo
Theo ông Hồ Văn Thảo, với 1.077 “lâm tặc con” đều là người có sức khỏe, có đất sản xuất nên không thể đổ thừa do nghèo mới làm lâm tặc. Những người này bán sức, bán mạng làm giàu cho “lâm tặc chúa”, còn bản thân thì luôn luôn nghèo. Do đó, cần thay đổi nhận thức để những lâm tặc này bỏ việc khai thác gỗ sang làm việc khác ổn định, bền vững. Khi đã không có “lâm tặc con” thì “lâm tặc chúa” sẽ tự diệt. |