BVR&MT – Những ngày này, trên khắp các đồi chè tại các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập của huyện Thuận Châu, hình ảnh người nông dân đang tất bật hái chè xuân. Đây là vụ thu được người trồng chè quan tâm, bởi chè xuân có hương vị thơm, ngọt, giá bán cũng cao hơn so với chè chính vụ trong năm.
Phổng Lái, là “thủ phủ” chè của Thuận Châu, với diện tích 750 ha chè. Trên các đồi chè ở các bản Tiên Hưng, Kiến Xương, Đông Quan, không khí trở nên tấp nập, tiếng nói, cười rộn ràng hơn khi chè búp vụ xuân năm nay đạt cả năng suất và sản lượng. Ghé đồi chè rộng trên 1ha của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, bản Tiên Hưng, những búp chè non bật lên xanh mơn mởn, chị Thủy chia sẻ: Đầu năm, thời tiết thuận lợi, có đợt mưa vừa nên chè sớm đâm búp. Bắt đầu từ giữa tháng 2, mỗi ngày gia đình tôi thuê 5 nhân lực để hái chè và thu hoạch khoảng 70-80 kg chè tươi. Hiện tại, mỗi cân chè búp tươi nhập cho HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được giá 7.500 đồng/kg. Dự kiến vụ chè xuân năm nay thu khoảng 9 tấn chè búp tươi.
Thăm HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, bản Kiến Xương, chúng tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp, tấp nập mua bán búp chè tươi của nông dân. Rót mời chúng tôi thưởng thức chén trà xanh thơm ngát, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Chè vụ xuân ở đây luôn có hương vị thơm và ngon nhất. Lứa chè này cho giá trị cao hơn khoảng 20% so với chè chính vụ. Từ giữa tháng 2 đến nay, HTX đã thu mua khoảng 40 tấn chè búp tươi, tính hết vụ chè xuân sẽ đạt khoảng 300 tấn chè tươi. Đảm bảo nguyên liệu phục vụ xưởng chế biến, ngoài 10,8 chè sản xuất theo hướng hữu cơ để chế biến chè thành phẩm, HTX còn liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân trong và ngoài huyện trồng 500 ha để làm chè sơ chế, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân trồng chè.
Rời xã Phổng Lái, đến Mường É, cũng là một trong những xã có diện tích chè lớn của huyện. Dọc hai bên đường là những nương chè xanh uốn lượn theo các sườn đồi. Trên nương chè thuộc bản Nà Vai, gia đình ông Lò Văn Dủng, đang nhanh tay thu hái lứa chè xuân trên 1,5 ha. Trò chuyện với chúng tôi, ông Dủng hào hứng: Chè vụ xuân bán cho thương lái dao động từ 7.000-8.000 đồng/kg; còn chè chính vụ chỉ có giá từ 5.500-6.000 đồng/kg. Từ cây chè, nhà tôi cũng như một số hộ dân trong bản có nguồn thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa. Chè hái đến đâu, được HTX thu mua hết đến đó nên bà con rất phấn khởi. Lợi ích kinh tế từ cây chè mang lại, giờ có nhiều hộ trong bản Nà Vai đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè.
Ông Bạc Cầm Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Mường É, cho biết: Toàn xã có hơn 287 ha chè, trên 202 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 6-7 tấn/ha. Nhà trồng nhiều chè mỗi năm thu về hơn trăm triệu đồng, hơn hẳn so với đất trồng ngô, trồng sắn như trước đây. Để đảm bảo đầu ra cho cây chè, xã đã liên hệ với các công ty chế biến chè ở xã Phổng Lái về tận xã thu mua chè búp tươi cho bà con; thành lập HTX Nông nghiệp Cả Vai để thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm chè bền vững.
Đến nay, huyện Thuận Châu có hơn 1.400 ha cây chè; trong đó, gần 1.000 ha cho thu hoạch sản phẩm. Toàn huyện có 4 công ty, HTX chuyên liên kết bao tiêu để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm chè. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Những năm qua, huyện Thuận Châu đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh, tập trung trồng những giống chè có năng suất, như: Chè lai F1, F2, chè Shan Tuyết, chè Kim Tuyên theo quy trình an toàn, hướng hữu cơ; tập huấn hướng dẫn chăm sóc, cải tạo diện tích chè già cỗi. Huyện đang chỉ đạo bà con thu hoạch vụ chè xuân xong, chú trọng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè, để vụ chè chính vụ đạt năng suất và sản lượng cao.
Theo lịch thời vụ, kết thúc thu hoạch lứa chè xuân vào tháng 4 sẽ đến chè chính vụ, những người trồng chè đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thu hái đến đâu, phòng trừ dịch bệnh, bón phân chăm sóc đến đó, đảm bảo tiếp tục có những lứa chè mới chất lượng, được giá, giúp nhiều hộ dân trồng chè có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.