BVR&MT – Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, vụ cháy xảy ra ở công ty Rạng Đông là sự cố cháy nổ, mất an toàn về hóa chất và môi trường, được đánh giá quy mô ảnh hưởng mức độ trung bình.
Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 4/9, báo chí đặt câu hỏi tới Bộ TN&MT về kết quả kiểm tra, xét nghiệm mẫu sau vụ cháy của Công ty Rạng Đông? Tình trạng nhiễm thủy ngân tại khu vực này?
Về việc này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho hay, ngay sau khi xảy ra vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) ngày 28/8, cơ quan chức năng đã làm hết sức để dập tắt đám cháy. Theo báo cáo của công ty thì lượng thủy ngân bị phát tán là 15,1kg, nhưng theo số liệu của các nhà khoa học, thì khối thủy ngân bị phát tán khoảng 27,2 kg. Qua kiểm tra, tủ bảo quản chứa almagam được giữ nguyên nên lượng thủy ngân bị phát tán nằm trong bóng đèn đã cháy, với khối lượng từ 15,1 – 27,2 kg.
Bộ TN&MT đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội tiến hành lấy mẫu phân tích từ 30/8-1/9. Ngay sau đó các đoàn của Bộ Y tế như Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cũng lấy mẫu và phân tích.
Bộ TN&MT cũng tổ chức 2 cuộc họp (ngày 30/8 và 3/9) lấy ý kiến chuyên gia và Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trực tiếp chủ trì, thống nhất các số liệu sau sự cố cháy nổ như sau:
Kết quả so sánh giá trị nồng độ thủy ngân với các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hiện hành về môi trường cho thấy:
Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân (Hg) vượt QCVN 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5 km.
Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị Hg vượt 2,76 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led trong Công ty.
Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị Hg vượt QCVN. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1 km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 6,1 lần.
Có 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của Công ty.
Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và châu Âu, ATSDR Mỹ, Canada cho thấy: Các điểm quan trắc chất lượng không khí xung quanh: Tổng cục Môi trường đã bố trí 4 vị trí lấy mẫu hấp phụ Hg (bằng bẫy vàng theo công nghệ Nhật Bản) theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phẩm bị cháy, tại khoảng cách 200m, 500m và 1000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy. Kết quả cho thấy, trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thủy ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại đô thị).
Các điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty phía trước khu cháy (trạm oxy) và trong nhà kho bị cháy có giá trị Hg trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR-Mỹ từ 10 đến 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).
Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị Hg nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khỏe con người đó là điểm NM-HĐ 02 (hồ Hạ Đình) và điểm TL05 (sông Tô Lịch tại điểm cách ngõ 320 Khương Đình 1,5 km về phía hạ lưu).
Nồng độ Hg quan trắc được trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe con người theo khuyến cáo của Canada nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty có hàm lượng Hg cao hơn các vị trí khác.
Thứ trưởng nói: “Có thể thấy vụ cháy xảy ra ở công ty Rạng Đông là sự cố cháy nổ, mất an toàn về hóa chất và môi trường, được đánh giá quy mô ảnh hưởng mức độ trung bình”.
Tuy nhiên, gây thiệt hại lớn về tài sản và không khí, cũng như nước mắt, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường xung quanh. Các hóa chất gây tác động chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng phát sinh trong quá trình cháy. Các chất ô nhiễm này một phần phát tán vào không khí, một phần phát tán vào nguồn nước trong quá trình dập lửa.
Từ kết quả phân tích môi trường trên với các khuyến cáo của WHO cho thấy phạm vi có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân trong bán kính khoảng 500 m tính từ hàng rào của kho bị cháy.
Về giải pháp, Thứ trưởng cho hay, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp liên ngành và trước tiên yêu cầu Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng đông, khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn hàng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi Hg tiếp tục phát tán ra môi trường đối với chất tàn dư sau vụ cháy, tiến hành thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để tiến hành xử lý theo quy định; phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy.
Tiếp tục thống kê chính xác số lượng hàng hóa, nguyên liệu vật liệu sử dụng và bị cháy nổ, đặc biệt là việc sử dụng Hg lỏng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, báo cáo các cơ quan chức năng để tính toán chính xác lượng Hg phát tán ra môi trường. Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, công nhân và người lao động của Công ty.
Bộ TN&MT tiếp tục hỗ trợ TP. Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường để đưa ra các yêu cầu về thu gom, xử lý các loại chất thải nguy hại (nhiễm Hg) phát sinh do vụ cháy; hướng dẫn Công ty lập phương án xử lý, cải tạo khu vực bị ở nhiễm tồn lưu Hg (nếu có); tiếp tục tổ chức quan trắc một số đợt để đánh giá khả năng phát tán bay hơi của thủy ngân trong môi trường không khí xung quanh khi trời nắng.
Viện Hàn lâm Khoa học – công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia phối hợp với Tổng cục Môi trường thiết lập mô hình giám sát ô nhiễm môi trường, quan trắc online về Hg trong khu vực nhằm kiểm soát những tồn dư của Hg sau sự cố có ảnh hưởng, tác động đến môi trường và sức khỏe con người.