BVR&MT – Liên quan đến vụ cướp 45 lóng gỗ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đông bắc Chư Pah (Gia Lai), hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã thành lập 3 đoàn liên ngành với gần 50 cán bộ khẩn cấp điều tra, truy bắt các xe gỗ tẩu thoát. Nhiều trạm chốt chặn được thành lập, các ngả đường ranh giới bị chốt chặn, tuy vậy, đoàn 8 xe gỗ cùng 20 đối tượng lâm tặc đã mất dấu khó hiểu trước sự bất ngờ của cơ quan chức năng.
Tổng tấn công
Những động thái quyết liệt được Gia Lai và Kon Tum tung ra như sau khi tiếp nhận thông tin vụ cướp gỗ từ Lao Động đăng tải. Tại Gia Lai, Phó Chủ tịch tỉnh – Kpă Thuyên ký văn bản số 410 chỉ đạo Sở NNPTNT và huyện Chư Pah khẩn trương điều tra, khởi tố các đối tượng cướp 45 lóng gỗ tang vật. Đồng thời tỉnh Gia Lai yêu cầu thực hiện nghiêm công văn chỉ đạo 304 trước đó (ngày 23.1), tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất truy bắt cho bằng được đối tượng chủ mưu. Phía Kon Tum, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã tổ chức một cuộc họp khẩn cùng huyện Kon Rẫy (Kon Tum) thành lập 2 đoàn liên ngành với 31 cán bộ truy lùng đoàn xe cướp gỗ Gia Lai trốn chạy về phía Kon Tum.
Chủ tịch huyện Kon Rẫy – Huỳnh Minh Chương cho biết, từ ngày 6 – 8.2, đã tung lực lượng truy quét, rà soát tất cả các tiểu khu giáp ranh với huyện Chư Pah (Gia Lai). “Về lâu dài, huyện thành lập thêm một chốt gác nằm trên con suối xã Đắc Tờ Re, điểm trọng yếu nối với rừng Ban QLRPH đông bắc Chư Pah, dù đã có 2 chốt trong đó rồi. Chúng tôi trực 24/24h mỗi ngày, đề phòng lâm tặc mượn đường cướp gỗ khai thác được từ phía Gia Lai. Huyện rất quyết liệt, nhiều giải pháp mạnh được triển khai, nhưng ngược lại lâm tặc thì cũng rất manh động”, ông Chương nhấn mạnh.
Tại Gia Lai, ngày 8.2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Pah đã chính thức khởi tố vụ phá, cướp gỗ tại Ban QLRPH đông bắc Chư Pah. Viện trưởng Viện KSND huyện Chư Pah – Lê Trung Dũng khẳng định, đã cử kiểm sát viên phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát quá trình điều tra vụ án. Hạt trưởng Hạt KL huyện Chư Pah – Nay Vân cho biết, hiện 17 cán bộ của tỉnh Gia Lai đang túc trực tại tiểu khu 174, canh giữ 28 lóng còn lại, sau khi 45 lóng gỗ đã bị cướp đi. “Vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được trang bị, dọc con đường giáp ranh tỉnh Kon Tum đang được kiểm soát rất chặt”, ông Nay Vân nhấn mạnh.
Mất dấu…
Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đồng loạt truy quét việc lâm tặc vận chuyển các bè gỗ trái phép trên sông Đắc Bla. Phía tỉnh Gia Lai ngay sau đó, phát hiện rừng Ban QLRPH đông bắc Chư Pah bị tàn phá, với 73 lóng gỗ đã được cắt, xẻ. Điều đáng nói, để vận chuyển số gỗ này ra khỏi tỉnh Gia Lai buộc phải dùng bò, kéo trên núi xuống, sau đó cẩu lên xe đưa về đường bộ vào tỉnh Kon Tum.
Trưởng ban QLRPH đông bắc Chư Pah – Nguyễn Quốc Thuận khẳng định: “Hoàn toàn không có đường thủy để vận chuyển ra sông Đắc Bla”. Như vậy, có thể thấy rằng, đây là hai vụ việc phá rừng khác nhau, vị trí nguồn gốc khai thác cũng khác nhau. Trong khi vụ các bè gỗ trôi sông, hai tỉnh không bắt được lâm tặc, không xác định được vị trí khai thác thì vụ phá rừng tại Ban QLRPH đông bắc Chư Pah, tỉnh Gia Lai lại bị 20 đối tượng lâm tặc dùng 8 xe máy cày cướp 45/ 73 lóng gỗ khai thác trái phép bằng đường bộ.
Trong một diễn biến hết sức bất ngờ, Chủ tịch huyện Kon Rẫy – Huỳnh Minh Chương cho biết: “Từ ngày 6 – 7.2, chúng tôi truy quét không phát hiện dấu vết 8 xe máy cày và bãi tập kết gỗ của vụ cướp”. Huyện Kon Rẫy duy chỉ có một con đường xã Đắc Tờ Re giáp ranh với huyện Chư Pah (Gia Lai), gỗ về đây chỉ có thể thả sông về TP. Kon Tum, trong khi các xe máy cày lại đi bằng đường bộ.
“Vận chuyển qua sông để về Kon Tum bằng đường bộ là không được”, lãnh đạo huyện Kon Rẫy cho biết. Thế nên, ngày 8.2, huyện Kon Rẫy đã chính thức rút các đoàn liên ngành về, vì không phát hiện dấu vết vụ cướp gỗ tại Gia Lai. Ngược lại, phía Gia Lai không có đường ra. Vậy đoàn 8 xe gỗ rầm rập nối đuôi nhau tẩu thoát bằng đường nào? Nguồn tin riêng của Lao Động cho biết, có một con đường mòn trên bộ từ rừng có thể đi về ngã ba Trà Huỳnh (QL 14) nơi giáp nhau giữa Kon Tum và Gia Lai (!). Và rất nhiều nghi vấn, đang tập trung vào con đường này. Bởi, phía tỉnh Gia Lai cũng xác định: “Bước đầu các đối tượng cướp gỗ vi phạm đến từ tỉnh Kon Tum”.
Đáng nói, vụ cướp 45 lóng gỗ vận chuyển trên 8 xe máy cày đã mất dấu trước lực lượng hùng hậu của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Lâm tặc rất tinh vi khi đẩy cơ quan chức năng vào thế bị động. Phải chăng lâm tặc tẩu thoát là nhờ có sự bảo kê? Vụ án khởi tố sẽ là đòn tấn công trực diện vào lâm tặc, tuy vậy kết quả có “trực diện” hay không thì xem ra lại bị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố…