BVR&MT – Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách theo các chương trình tín dụng tiếp cận với bà con nhân dân. Nhờ đó, đời sống của người dân dần được cải thiện, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của tỉnh Kon Tum với 85%, chủ yếu là dân tộc Xê Đăng, Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xê Đăng), Mường…
Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp với các loại cây trồng như cà phê, cao su… Dù vậy, trước đây, do kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, nên kinh tế của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới 34,1%. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân tại xã Sa Loong đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Y Hơ Lê (sinh năm 1975, dân tộc Ca Dong, thôn Đăk Vang, xã Sa Loong) cho biết, trước năm 2007, gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Không có đất sản xuất, thu nhập của chị rất bấp bênh. Đến năm 2007, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để vay 10 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo.
Từ số tiền này, chị đã mua được đất để trồng sắn. Đến năm 2010, chị trả được số tiền trên và vay lại 20 triệu đồng, cũng theo chương trình cho vay hộ nghèo để trồng cao su và cà phê. Năm 2015, gia đình chị Y Hơ Lê chính thức thoát nghèo.
Sau khi thoát nghèo, chị trả được tiền cho ngân hàng và tiếp tục được tạo điều kiện vay thêm 50 triệu theo diện hộ cận nghèo để phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình chị Y Hơ Lê đã có được 3 ha cao su, 2,7 ha cà phê, sau khi trừ hết chi phí thì mỗi năm mình có khoản thu nhập trên 100 triệu.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình mình thoát nghèo bền vững, dự kiến cuối năm 2023, mình sẽ trả được hết số tiền đã vay của ngân hàng”, chị Y Hơ Lê vui vẻ nói.
Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đăk Vang có 47 thành viên, với tổng dư nợ 2,8 tỷ đồng. Các thành viên vay vốn đều phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế hộ gia đình. Với vai trò là tổ trưởng, chị Y Giao, cùng với các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tuyên truyền, vận động chị em trong tổ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó, từ 47 thành viên đều thuộc diện hộ nghèo thì đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đăk Vang hiện chỉ chỉ còn 18 hộ nghèo.
Không chỉ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số tại xã Sa Loong đã vươn lên làm giàu nhờ sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Đơn cử, gia đình chị Y Pa Ri (sinh năm 1993, thôn Đăk Vang) trước năm 2015 vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với khoản vay 30 triệu đồng theo diện hộ nghèo vào năm 2015, gia đình chị đã đầu tư trồng 1.000 cây cà phê.
Đến năm 2018, gia đình chị thoát nghèo, vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách theo chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để mở rộng sản xuất.
Gia đình chị Y Pa Ri có 3 ha cao su, 2,4 ha cà phê, 2 ha trồng sắn, sau khi trừ hết chi phí cho thu nhập từ 170 – 180 triệu đồng mỗi năm. Chị Y Pa Ri đã trả được 30 triệu cho Ngân hàng Chính sách xã hội, còn 20 triệu dự tính đến cuối năm nay sẽ trả hết. Không chỉ thoát nghèo, gia đình chị Y Pa Ri còn xây được một căn nhà khang trang.
Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết, hiện có khoảng 1.200 hộ trong tổng số hơn 1.500 hộ của xã đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách theo nhiều chương trình như hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Tổng dư nợ vốn tín dụng chinh sách trên địa bàn xã khoảng 62 tỷ đồng, là một trong 5 xã có tổng dư nợ tín dụng chính sách lớn nhất của tỉnh Kon Tum.
Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách đã tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, trồng cà phê, cao su, mở rộng diện tích canh tác. Năm 2010, tổng số hộ nghèo của xã là 388 hộ, chiếm 34,1%, nhưng đến nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 72 hộ, chiếm 4,88%.
Nhờ vào nguồn vốn này, bà con đã vươn lên thoát nghèo bền vững, thậm chí làm giàu, góp phần vào việc đưa xã Sa Loong hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, được tỉnh công nhận xã nông thôn mới vào cuối tháng 5/2023, ông Nguyễn Thành Lương khẳng định.
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, hiện nay, đơn vị đã và đang quản lý 19 chương trình tín dụng chính sách; trong đó có 5 chương trình tín dụng chính sách đã hết thời gian thực hiện, đơn vị theo dõi đôn đốc thu hồi nợ đến hạn.
Doanh số cho vay năm 2023 đạt 595 tỷ đồng, với trên 14.000 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ đạt 288 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của tỉnh đạt 4.064 tỷ đồng với trên 70.000 hộ còn dư nợ.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, riêng đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện đều được tiếp cận với tất cả các chương trình vay vốn tín dụng chính sách.
Tính đến 20/6/2023, đã có trên 49.500 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng số hộ dân tộc thiểu số của toàn tỉnh.
Đối với 5 chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, tổng dư nợ hiện nay là 186 tỷ đồng với 4.095 hộ vay; trong đó, có 4 chương trình đã hết giai đoạn thực hiện, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đang theo dõi, thực hiện thu hồi nợ khi đến hạn.
Riêng đối với chương trình cho vay vùng dân tộc thiểu số miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã thực hiện cho vay được 119 tỷ đồng với 2.388 hộ vay vốn, đạt 89,4% kế hoạch được giao.
Mục đích vay vốn của các hộ dân chủ yếu là hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà, hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
Các chính sách tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ đã tiếp sức cho bà con là người dân tộc thiểu số có vốn để đầu tư, ổn định chỗ ở. Đồng thời, còn giúp tạo việc làm, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để thoát nghèo bền vững, ổn định kinh tế gia đình, góp phần ngăn chặn tín dụng đen ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách, các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần tự lực, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, xây dựng thôn, làng, địa phương ngày càng giàu đẹp, ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.