Voi châu Phi có thể bị đói vì biến đổi khí hậu

BVR&MT – Các nhà khoa học cảnh báo những cá thể voi sẽ phải đối mặt với nạn đói khi khu rừng nhiệt đới lớn nhất châu Phi nằm ở Congo sắp tàn lụi vì khủng hoảng khí hậu.

Nhiệt độ tăng và lượng mưa cạn kiệt sẽ tác động nghiêm trọng đến sản lượng cây ăn quả ở lưu vực Congo – khu vực cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho voi rừng và các loài động vật có vú lớn khác.

Từ năm 1986 đến năm 2018, sản lượng cây ăn quả trong Vườn quốc gia Lopé ở Gabon đã giảm 81%. Cuộc khảo sát trực quan về voi rừng cũng cho thấy tình trạng thể chất của chúng giảm 11% từ năm 2008 đến năm 2018.

Tiến sĩ Emma Bush từ Đại học Stirling, một trong những thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng cho trái của hơn 70 loài cây được nghiên cứu tại Vườn quốc gia Lopé có thể là do chúng thiếu tín hiệu môi trường để kết trái bởi nhiệt độ tăng và lượng mưa ít hơn…  Lượng trái cây suy giảm sẽ có tác động rất lớn đến động lực học của rừng như sự phát tán hạt giống, sinh sản của thực vật và nguồn thức ăn sẵn có cho động vật hoang dã như voi rừng, tinh tinh và khỉ đột”.

Bộ trưởng Môi trường Gabon Lee White nhấn mạnh tình trạng trên có thể là dấu hiệu cho thấy trái đất đang tiến đến điểm tới hạn khi biến đổi khí hậu bắt đầu phá hủy các hệ sinh thái: “Viễn cảnh ảm đạm và u ám dần hé mở khi có dấu hiệu cho thấy lưu vực Congo đang tiếp nối rừng nhiệt đới Amazon để bước vào thời kỳ khô héo và chết mòn vì biến đổi khí hậu. Nếu tất cả các loài ăn trái cây như tinh tinh, khỉ, khỉ đột, voi hoặc chim mỏ sừng ăn ít hơn 80% so với thường ngày thì chúng sẽ bị suy giảm thể lực, dễ mắc bệnh hơn và mật độ quần thể sẽ bị phá vỡ”.

Sức khỏe của voi rừng trong Vườn quốc gia Lopé trở nên tồi tệ hơn khi sản lượng trái cây giảm dần (Ảnh: Malcom Starkey)

Bên cạnh đó, Bộ trưởng White cũng giải thích nghiên cứu của ông cùng các cộng sự về năng suất cây ăn quả đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu bức tranh đầy đủ hơn về cách thức cuộc khủng hoảng khí hậu tác động lên rừng nhiệt đới. Ông đưa ra giả thuyết rằng nếu voi không thể tiếp cận đủ thức ăn trong rừng nhiệt đới, chúng sẽ xâm phạm thường xuyên hơn đến cây trồng của nông dân và môi trường sống của con người.

Tiến sĩ Max Graham, Giám đốc điều hành Space for Giants – tổ chức quốc tế về bảo vệ cảnh quan và voi châu Phi cho biết: “Đây dường như là một dấu hiệu cảnh báo khác rằng sự can thiệp của con người vào sự cân bằng của tự nhiên đang khiến nhiều loài động vật cùng chung sống với chúng ta trên hành tinh này lâm vào cảnh khốn cùng”.

Ông cho rằng nếu voi không thể tìm thấy thức ăn nơi chúng vẫn thường thấy thì chúng sẽ tìm thức ăn ở bất kỳ nơi nào, kể cả trên các cánh đồng. “Khi người nông dân trả đũa voi để bảo vệ sinh kế của họ, họ và voi sẽ bị thương hoặc bị giết trong cái mà chúng ta gọi là xung đột giữa người và voi. Ở nhiều quốc gia, đó còn là mối đe dọa tồi tệ với voi, thậm chí hơn cả nạn săn trộm”.

Ngược lại, sự suy giảm của quần thể voi cũng sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng thu giữ carbon của rừng nhiệt đới, theo một nghiên cứu khác được xuất bản bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Voi rừng quật ngã những cây nhỏ hơn khi chúng di chuyển trong rừng, tạo không gian cho những cây khác phát triển cao hơn và tích trữ carbon hiệu quả hơn.

“Trong nhiều năm, chúng tôi tự hỏi vì sao tình trạng voi “đột kích” mùa màng ở Gabon lại gia tăng trong khi số lượng voi đã ít hơn do cuộc khủng hoảng săn trộm. Ngày nay, hiện tượng này xuất hiện là một ví dụ khác cho thấy châu Phi buộc phải thích ứng với một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà lục địa này không góp phần tạo ra nhưng lại là nơi dễ bị tổn thương nhất”, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba cho biết.

Các phát hiện từ nghiên cứu cũng cảnh báo rừng nhiệt đới đang mất dần khả năng lưu giữ carbon. Bộ trưởng White nhấn mạnh: “Nếu quá trình này không thể đảo ngược, lưu vực Congo sẽ trở thành một nguồn carbon và nếu chúng tôi bơm tất cả carbon từ lưu vực Congo vào bầu khí quyển thì mục tiêu 1,5 độ C không bao giờ có thể thực hiện, thậm chí chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà nhiệt độ toàn cầu tăng từ 5-6 độ C. ”

“Lý do chúng tôi kể câu chuyện này vì chúng tôi tin mọi người luôn có sự đồng cảm với loài voi. Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến đó là biến đổi khí hậu khiến voi bị mất nguồn thức ăn và điều này có thể thúc đẩy mọi người hành động theo hướng tích cực hơn” – Bộ trưởng White kêu gọi.

Gabon là quốc gia có nhiều rừng thứ ba trên thế giới sau Surinam và Micronesia. Trải dài gần 5.000 km vuông với số lượng voi lớn, Vườn quốc gia Lopé tại Gabon là Di sản Thế giới của UNESCO và là thiên đường của các loài động vật hoang dã ở châu Phi bao gồm khỉ đột đất thấp, tinh tinh và voi rừng.


Ngọc Hiền (The Independent)