BVR&MT – Covid-19, Ebola, Lyme và AIDS có điểm gì chung? Những bệnh này nhảy từ động vật sang người sau khi chúng ta bắt đầu phá hủy các sinh cảnh và hủy hoại các hệ sinh thái.
Có thể câu chuyện bắt đầu như thế này: Một buổi chiều năm ngoái, tại một nơi nào đó thuộc tỉnh miền núi Vân Nam, Trung Quốc, một thợ săn vào một hang động đá vôi, rảo bước qua một loạt các khe động nhỏ cho đến khi đến một lối đi hẹp nồng mùi amoniac – chính xác là những gì anh hy vọng tìm thấy. Anh chăng một tấm lưới tinh xảo qua lối đi rồi ngồi chờ ở một khu vực tương đối khô ráo gần đó.
Hoàng hôn buông xuống, hàng ngàn con dơi lá mũi bắt đầu rời hang đi săn côn trùng. Nhiều dơi bay sát nhau đến nỗi một con mắc lưới. Khi đàn dơi khuất bóng, người thợ săn gỡ số dơi bắt được, thả chúng vào một cái bao vải và thu thập thêm một ít phân dưới nền hang. Sáng hôm sau, anh giao số dơi đến các nhà cung cấp tại chợ động vật hoang dã gần đó, nơi chúng bị nhốt chung chuồng với công, ễnh ương béo, rắn, ba ba, cheo, lửng và cáo bị bán làm thức ăn, lấy lông hoặc làm thuốc. Sau khi bán phân cho nông dân để làm phân bón, anh giao nốt một vài con dơi mập nhất cho các nhà hàng thân thiết nhiều năm.
Mặc dù không nhận ra nhưng người thợ săn đã bắt được nhiều hơn số dơi. Giống như tất cả các loài động vật, dơi chứa rất nhiều hệ sinh thái vô hình của nấm, vi khuẩn và virus. Nhiều loại virus ở dơi đã lưu hành giữa các vật chủ trong ít nhất hàng ngàn năm, sử dụng tế bào dơi để nhân bản nhưng hiếm khi gây bệnh nặng. Thông qua đột biến và trao đổi gen thường xuyên, một loại virus có được khả năng lây nhiễm cho tế bào của một số động vật có vú khác ngoài dơi khi có cơ hội. Khi vào hang, người thợ săn đã cho virus một con đường mới để ra khỏi những khe đá ẩm ướt thân thuộc, ra khỏi vùng nông thôn để vào thế giới rộng lớn.
Có lẽ người thợ săn đã bị nhiễm bệnh từ phân trong hang động, do vô tình mà truyền virus vào mũi hoặc miệng. Có thể một người bán hàng ở chợ hoặc đầu bếp bị nhiễm bệnh từ máu hoặc phân khi chế biến dơi, rồi lại truyền virus cho đồng nghiệp và khách hàng. Khi nhiều động vật bị căng thẳng và bị thương ở chợ đổ máu, chảy nước dãi và đại tiện vào nhau, virus ban đầu có thể nhảy từ dơi sang một sinh vật khác bị nhốt cùng, lai với virus của động vật đó trước khi nhảy trở lại con người. Khi các đầu bếp, lang y và người mua ra chợ, họ có thể hít phải những giọt nước nhiễm trùng hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm, khởi đầu cho những chuỗi nhiễm trùng mới khi họ trở về nhà và nơi làm việc.
Lúc đầu, có thể virus sinh sôi với tốc độ đủ để tự duy trì nhưng không đủ để tạo ra các cụm lây nhiễm đáng chú ý. Cuối cùng, thông qua các con đường lây nhiễm liên quan đến buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, virus di chuyển từ các ngôi làng ở nông thôn Trung Quốc đến thành phố hơn 10 triệu người Vũ Hán với mật độ vật chủ tiềm năng dày đặc và không có miễn dịch. Chẳng mấy chốc, virus chuyển từ người sang người trong các nhà hàng, văn phòng, khu chung cư, khách sạn và bệnh viện, rồi dễ dàng nhảy vào mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc đến Bắc Kinh và Thượng Hải trong vòng chưa đầy 6 tiếng. Tại một số thời điểm vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, virus thậm chí còn di chuyển bằng đường hàng không.
Có nhiều điều chúng ta không biết về nguồn gốc của đại dịch đang diễn ra và có thể không bao giờ hiểu được một số chi tiết. Mặc dù việc phân giải chuỗi di truyền hiện chỉ ra rằng dơi lá mũi là nguồn của SARS-CoV-2, nhưng vật chủ trung gian là một loài động vật khác. Ban đầu có thể dơi đã lây bệnh cho gia súc hoặc các loài bị nuôi nhốt ở những trang trại động vật hoang dã của Trung Quốc. Có lẽ dơi (hoặc một vật chủ trung gian khác) bị buôn lậu qua biên giới từ một quốc gia láng giềng, như Myanmar hoặc Việt Nam. Hoặc có thể virus đã lây nhiễm cho động vật và người dân ở các vùng nông thôn trong nhiều năm trước khi tìm được đường đến một thành phố lớn. Dù thế nào, các chuyên gia đều đồng ý rằng Covid-19 là một bệnh truyền từ động vật sang người.
Có từ 60-75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người đến từ động vật. Nhiều bệnh dịch như cúm, AIDS và dịch hạch gây ra một số vụ bùng phát nguy hiểm nhất trong lịch sử. Mặc dù bệnh từ động vật có lịch sử lâu đời nhưng số lượng cùng với tần suất bùng phát đã tăng lên trong vài thập kỷ qua.
Mầm bệnh từ động vật thường không tìm kiếm chúng ta mà chỉ nhảy sang người khi chúng ta tác động vào các hệ sinh thái chung theo những cách thuận lợi cho quá trình chuyển di. Phá rừng, khai khoáng, nông nghiệp thâm canh và phát triển đô thị phá hủy môi trường sống tự nhiên, buộc các sinh vật hoang dã phải tiếp xúc với các cộng đồng của con người. Săn bắn, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã quá mức làm tăng đáng kể khả năng nhiễm chéo loài. Giao thông hiện đại có thể phân tán các vi khuẩn nguy hiểm trên toàn thế giới trong vài giờ. “Áp lực và gián đoạn sinh thái do con người gây ra đang khiến các mầm bệnh động vật ngày càng tiếp xúc với quần thể người nhiều hơn trong khi công nghệ và hành vi của con người đang lan truyền những mầm bệnh đó ngày càng rộng rãi và nhanh chóng”, David Quammen viết trong cuốn sách xuất bản năm 2012 mang tên Spillover.
Con người không phải là sinh vật đầu tiên biến đổi hệ sinh thái toàn cầu nhưng không loài nào khác thay đổi sâu sắc hành tinh theo nhiều cách khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Năm 1700, vùng hoang dã thực sự vẫn bao phủ gần một nửa các lục địa. Hiện chúng ta đã trực tiếp chuyển đổi hơn 70% đất không có băng giá bao phủ. Tình trạng con người gia tăng nhanh chóng khiến động vật hoang dã suy giảm thảm khốc. Hành tinh này đang mất đa dạng sinh học ở mức 100 – 1.000 lần tốc độ tuyệt chủng loài ở thời điểm trước khi con người xuất hiện. Chúng ta đã làm giảm 82,5% tổng số động vật có vú hoang dã, 83,75% cá và một nửa các loài thực vật.
Bệnh dại, Ebola, Marburg, SARS, MERS, Hendra, Nipah đều liên quan đến dơi. Dơi là khởi nguồn của nhiều loại virus gây bệnh nguy hiểm nhất xâm nhập vào quần thể người bởi nhiều lý do. Gần 1/4 các loài động vật có vú là dơi; với tư cách là một nhóm, chúng đã cùng phát triển với một loạt virus trong khoảng 50 triệu năm. Nhiều loài dơi có tập tính xã hội: chúng tập trung với số lượng lớn, rúc vào nhau để sưởi ấm, chải chuốt cho nhau và cho con non bú, tạo ra nhiều cơ hội để phát tán mầm bệnh. Dơi cũng rất linh hoạt, đôi khi vượt hàng chục dặm giữa các chỗ sinh sống hoặc di cư hàng trăm dặm theo mùa, và sự di cư ấy tất nhiên mang theo cả virus.
Tuy nhiên dơi thường không hòa nhập với các động vật khác, sự bùng phát của virus dơi thường bắt đầu khi con người xâm lấn vào nơi dơi sống hoặc mang dơi đến những nơi loài này không bao giờ tự tới. Nipah là một ví dụ điển hình. Từ mùa hè năm 1997 đến mùa hè năm 1998, các đám cháy do con người gây ra ở Đông Nam Á đã thiêu rụi ít nhất 5 triệu ha rừng và tạo ra một lớp sương mù khổng lồ, gây ra các vấn đề sức khỏe trên diện rộng và che khuất ánh sáng mặt trời, cản trở quá trình quang hợp trên khắp khu vực. Do phần lớn sinh cảnh tự nhiên bị chặt hoặc cháy rụi, cây ăn quả hoang cho ít quả hơn bình thường, dơi bắt đầu kiếm ăn trong những vườn cây giáp ranh với rừng. Khi nhóm của nhà virus học Kaw Bing Chua tìm hiểu các trang trại trong khu vực xảy ra những ca bệnh đầu tiên, họ phát hiện ra những cây xoài, sầu riêng và roi liền kề hoặc trùm lên chuồng lợn. Khi dơi kiếm ăn trong các lùm cây của trang trại, những miếng trái cây dính nước bọt sẽ rơi vào chuồng và trở thành thức ăn cho lợn. Nông dân tiếp xúc gần gũi với lợn nhiễm virus cũng sẽ bị nhiễm.
Từ những năm 1990, các nhà nghiên cứu làm việc trong nhiều hệ sinh thái khác nhau đã phát hiện ra rằng đa dạng sinh học cao thường làm giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. “Những vật chủ tốt nhất của nhiều bệnh thường là những loài phát triển mạnh khi con người làm xáo trộn sinh cảnh khiến đa dạng suy giảm. Những gì chúng tôi nghĩ là một đặc thù của hệ thống bệnh Lyme đang xảy ra trên khắp hành tinh”, nhà sinh thái học Keesing nói.
Mùa hè năm 1999, quạ rơi xuống Vườn thú Bronx như thể chúng mất kiểm soát khi đang bay. Người dân khắp thành phố cho biết số lượng chim chết bất thường trên các bãi cỏ và vỉa hè. Khi Tracey McNamara, lúc đó là người đứng đầu bộ phận bệnh lý học thuộc Vườn thú Bronx kiểm tra một số con quạ chết và phát hiện ra các tế bào bất thường, xuất huyết và tổn thương trong não do viêm nhiễm – dấu hiệu của nhiễm virus. Các bác sĩ ở thành phố New York cũng ghi nhận các nhóm bệnh nhân bị sốt, nhầm lẫn và yếu cơ, một số người đã chết. Ban đầu, các quan chức y tế nghi ngờ là viêm não St. Louis – một bệnh do virus muỗi gây viêm não.
Vài tuần sau, các cuộc điều tra sâu hơn và kết quả từ 5 phòng thí nghiệm khác nhau cho thấy McNamara đã đúng: Những con quạ, chim trong vườn thú và con người đều bị nhiễm vi rút Tây sông Nile – một mầm bệnh thường lây truyền ở chim nhưng có thể lây cho người qua muỗi. Virus Tây sông Nile chưa từng được ghi nhận ở Bắc Mỹ nên có thể đã kí sinh trên cơ thể của một con chim hoặc muỗi, lây cho quần thể chim địa phương và cuối cùng lây lan sang người. Virus này tiếp tục lây nhiễm cho hàng ngàn người ở Hoa Kỳ mỗi năm với tỷ lệ tử vong trung bình là 5%. Số ca mắc và tử vong thay đổi đáng kể theo từng năm và từng vùng.
Chỉ có một số loài chim Bắc Mỹ lây truyền vi rút Tây sông Nile hiệu quả, đặc biệt là chim cổ đỏ thường tìm thức ăn trên mặt đất, dễ tiếp xúc với muỗi và gánh một lượng lớn virus mà không có triệu chứng nghiêm trọng. Ngược lại, nhiều loài khác – trĩ, gõ kiến, ngỗng, gà nước và chim cút – không phải là vật chủ đặc biệt thích hợp. Ở những vùng có cộng đồng chim đa dạng, virus gặp khó khăn trong việc tự thiết lập, làm giảm nguy cơ lây truyền sang người. Ở những khu vực có độ đa dạng chim chóc thấp, đặc biệt là trong môi trường đô thị hóa cao, nơi các loài nói chung như chim cổ đỏ phát triển mạnh, nguy cơ đối với con người lớn hơn đáng kể.
Năm 2007, California hứng chịu đợt bùng phát sốt Tây sông Nile tập trung gần Bakersfield. Một mùa đông và mùa xuân khô nóng bất thường làm giảm số lượng chim và muỗi tại địa phương và cũng làm giảm nguy cơ bệnh này. Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu điều tra ổ dịch tiến hành một cuộc khảo sát trên không thì đã phát hiện ra rất nhiều bể bơi và bồn tắm nước nóng bị quên lãng. Clo bay hơi, tảo nở rộ và muỗi sinh sôi nảy nở đe dọa lây nhiễm toàn khu vực.
Loại bỏ bệnh từ động vật là bất khả thi. Sự sống của chúng ta phụ thuộc vào một mạng lưới kết nối phức tạp với các sinh vật sống khác, bao gồm cả vi sinh vật. Chúng ta không thể vô trùng hành tinh này hoặc sống giam mình trong bong bóng kín. Chúng ta không thể ngăn chặn virus mới xuất hiện nhưng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ mầm bệnh nguy hiểm tràn từ động vật vào quần thể người. Với trường hợp Covid-19, mục tiêu rõ ràng nhất là cải tổ nạn buôn bán động vật hoang dã.
Buôn bán động vật hoang dã là một ảo tưởng sinh thái, đẩy các loài vốn không bao giờ gặp gỡ vào cảnh tiếp xúc gần. Động vật nuôi nhốt thường thiếu dinh dưỡng và căng thẳng nên cũng dễ bị lây nhiễm hơn. Khi chúng bị giết mổ tại chỗ ở một số chợ động vật sống, chất thải của chúng có khả năng phơi nhiễm với các động vật khác cũng như con người, tạo cơ hội thuận lợi cho mầm bệnh truyền nhiễm. Đô thị hóa, gia tăng mật độ và cơ sở hạ tầng được cải thiện, chẳng hạn những con đường mới đi vào các vùng hoang dã trước đây không thể tiếp cận được đã thúc đẩy việc mở rộng và thương mại hóa buôn bán động vật sống trên khắp thế giới.
Trong một số trường hợp, con người sống nhờ động vật hoang dã. Theo một ước tính năm 2017, hộ nghèo có xu hướng phụ thuộc vào thịt rừng và khoảng 150 triệu hộ gia đình ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi săn bắn động vật hoang dã, chủ yếu để ăn. Tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Trung Quốc đang phát triển, xu hướng ăn sinh vật hoang dã mang tính thể hiện địa vị nhiều hơn: đó là cách khoe giàu và thể hiện sự tôn vinh khách. Theo một nghiên cứu khác năm 2017, tiêu thụ thịt ở Trung Quốc đã tăng 1/3 kể từ năm 2000, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác, và nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã các loại cũng tăng theo. Thịt các loài độc lạ cũng hấp dẫn ở phương Tây: Nhiều tấn thịt rừng đủ loại như linh trưởng, linh dương, động vật gặm nhấm, chim và bò sát bị nhập lậu vào châu Âu và Bắc Mỹ mỗi năm. Tại Hoa Kỳ, 11,5 triệu người săn bắn và đôi khi ăn các động vật như hươu, nai, nai, gấu, gấu trúc, nhím, bồ câu, chim cút, trĩ, sóc và cá sấu.
Rõ ràng, các lệnh cấm toàn diện chưa chắc là chiến lược thực tế hay nhất, hợp lý nhất. Quy định chặt chẽ hơn, cải thiện vệ sinh dịch tễ và cấm vận đối với các sinh vật hoang dã có nguy cơ gây bệnh cao nhất – dơi, động vật gặm nhấm và linh trưởng – có thể làm cho các chợ bán động vật sống an toàn hơn hẳn. Một số nhà nghiên cứu ủng hộ những giải pháp chú trọng vào các vấn đề kinh tế xã hội nền tảng như phát triển các nguồn thu nhập thay thế cho thợ săn và người buôn bán động vật, đầu tư vào an ninh lương thực và cổ súy cây trồng giàu protein. Nhưng ngày nay, các gia đình sống rải rác ở khu vực nông thôn tự cung tự cấp không gây ra nhiều rủi ro như buôn bán động vật hoang dã có tổ chức nhằm phục vụ đối tượng khách hàng giàu có thích thể hiện hơn là thật sự có nhu cầu.
Ngày 24/2, Quốc vụ viện Trung Quốc cấm săn bắn, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã trên cạn trừ trường hợp lấy lông, da và làm thuốc. Mặc dù các lệnh cấm đưa ra sau các đợt bùng phát dịch bệnh chỉ là tạm thời, một số chuyên gia rất lạc quan.
“Tôi nghĩ lần này sẽ khác. Tôi khá chắc chắn về điều đó vì mức độ nghiêm trọng và sự phản đối kịch liệt. Tôi cảm thấy một sự thay đổi xã hội đang diễn ra”, Giám đốc khu vực châu Á thuộc IFAW Grace Ge Gabriel hồ hởi. Một cuộc thăm dò trực tuyến gần đây của Đại học Bắc Kinh cho thấy vẫn còn nhiều công chúng có thể đang quay lưng lại với động vật hoang dã.
Tony Goldberg, nhà sinh thái học về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Wisconsin, Madison cho biết: “Nếu đây không phải là tiếng kêu thức tỉnh thì sẽ không còn gì để nói”.
Nhiều nhân tố quan trọng của dịch bệnh từ động vật là những vấn đề các nhà bảo tồn loay hoay giải quyết trong nhiều thập kỷ: nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, những thay đổi tương đối đơn giản đối với tiếp xúc giữa con người và các động vật khác có thể tác động lớn đến khả năng lây lan.
Sau khi virus Nipah bùng phát tại Malaysia năm 1998, chăn nuôi lợn đã bị cấm ở những khu vực có nguy cơ cao; nông dân tách lợn khỏi những nơi trồng cây ăn quả, nuôi lợn thành đàn nhỏ hơn, cách ly với người và các động vật khác, và bắt đầu sử dụng nhiều thiết bị bảo vệ và khử trùng hơn. Cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa tái xuất hiện ở Malaysia mặc dù đã xảy ra những đợt bùng phát lặp đi lặp lại ở các nước láng giềng, một phần là do dơi làm nhiễm độc cây chà là – vốn là loại đồ uống phổ biến. Theo một nghiên cứu, những người khai thác nhựa đã bảo vệ cây khai thác khỏi dơi bằng cách sử dụng nơm tre đơn giản và rẻ tiền nhưng giảm được tới 81% lây nhiễm.
Giáo dục và nhận thức cộng đồng về rủi ro bệnh từ động vật cũng rất quan trọng. Mặc dù các đợt bùng phát thường do các vấn đề mang tính hệ thống nhưng việc châm ngòi lại thường là hành động cá nhân.
“Một người riêng lẻ với một que diêm có thể đốt cháy nước Úc. Một người riêng lẻ đưa ra một lựa chọn mù quáng có thể gây ra đại dịch”, Goldberg nhận xét.
Đại dịch H.I.V/AIDS khiến 75 triệu người lây nhiễm và lấy đi mạng sống 32 triệu người có lẽ bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 với việc một hoặc một nhóm thợ săn làm thịt một con tinh tinh ở vùng ngày nay là Cameroon. Một số nhà nghiên cứu cho rằng dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi từ 2013 đến 2016 – nghiêm trọng nhất trong lịch sử, lây nhiễm hơn 28.000 người và cướp đi tính mạng hơn 11.000 người – cũng có thể bắt đầu với việc một cậu bé 2 tuổi chơi trong hốc cây có dơi.
Cuối cùng, ngăn chặn bệnh từ động vật đòi hỏi nhiều hơn các can thiệp thực tế: đó là thay đổi cơ bản về quan điểm. Con người xưa nay vẫn coi thế giới là sân khấu rêng và các sinh vật khác là đạo cụ. Chúng ta hái những cây hoa lan quý hiếm từ các đầm lầy xa xôi rồi vận chuyển qua nửa vòng trái đất, không phải vì cần mà đơn giản vì thích thấy chúng trên bệ cửa sổ. Chúng ta giết hổ hoang dã vì sợ hãi hoặc vì để giải trí và đồng thời nhân nuôi chúng trong điều kiện nuôi nhốt để đưa con non vào các vườn thú chụp ảnh. Định cư ở bất cứ đâu, chúng ta cũng diệt trừ các loài bản địa và thay thế bằng các sinh vật hoàn toàn xa lạ với hệ sinh thái đó. Khi gặp vấn đề khó giải quyết với loài ngoại lai nào đó, chúng ta thường nhập một sinh vật ngoại lai thủ tiêu loài trước đó – một chiến lược đã liên tục thất bại thảm hại.
Nhiều hơn bất kỳ thực thể nào khác, virus và vi sinh vật phơi bày tính ngụy biện đầy độc đoán của con người. Chúng ta đã quen nghĩ mình là vai chính của mọi cảnh quan nhưng từ góc độ của các vi khuẩn truyền nhiễm, chúng ta và các sinh vật lớn khác chính là cảnh quan. Khi tái cấu trúc sinh quyển trái đất để phù hợp với những ý thích bất chợt, chúng ta mở các ống dẫn tiềm ẩn giữa hệ vi sinh của các động vật khác và chính chúng ta. Một khi các kênh đó hoạt động, mầm bệnh không thể ngăn chặn sẽ tràn vào như thác đổ.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho dơi, muỗi hay virus. Chúng ta không thể mong đợi chúng đi ngược lại với bản chất của mình. Thách thức trước mắt chúng ta là làm thế nào tự kiểm soát tốt nhất và ngăn chặn trận lụt mà chúng ta đã thả lỏng.
Thế Anh (Lược dịch từ New York Times)