BVR&MT – Nhờ những cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, hiệu quả, tỉnh đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ môi trường. Sự phát triển của mạng lưới doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực xử lý chất thải, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế – xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến lượng nước thải, chất thải sản xuất, sinh hoạt phát sinh ngày một tăng. Hiện nay, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày.
Trong đó, ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Nước thải, chất thải sản xuất, sinh hoạt tăng lên, trong khi, năng lực thu gom, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đã và đang làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Trước thực trạng đó, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường… để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi trường trên địa bàn đã tăng cả về số lượng và mở rộng quy mô hoạt động. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 34 doanh nghiệp, 117 hợp tác xã (HTX) và tổ dịch vụ vệ sinh môi trường (VSMT) tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.
Trong đó, có 9 doanh nghiệp, 117 HTX và tổ dịch vụ VSMT trực tiếp ký hợp đồng với chính quyền địa phương để thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư.
Còn lại là các đơn vị thuộc địa bàn các tỉnh lân cận có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, vừa tham gia thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, vừa vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Sự phát triển của các doanh nghiệp, HTX kinh doanh dịch vụ môi trường đã giúp giải quyết việc làm cho không ít lao động địa phương, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.
Công ty cổ phần Xây dựng Century Vina, thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012. Với công suất xử lý từ 25 – 30 tấn rác/ngày, hơn 10 năm qua, công ty đã giúp xử lý lượng lớn rác thải phát sinh, góp phần làm sạch môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc công ty cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các cấp, các ngành trong tỉnh. Năm 2014, công ty được hỗ trợ xây dựng lò đốt rác công nghệ cao; được vay vốn ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường phục vụ cho việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động thu gom, mở rộng diện tích sân phơi rác thải.
Cùng với đó, công ty còn được hưởng một số ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập… Sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh đã tạo động lực để công ty khắc phục khó khăn, hoạt động ổn định.
Hiện nay, công ty đang đảm nhận nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn Hương Canh và một số xã lân cận, giúp giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, với thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo thống kê, hiện nay, các doanh nghiệp, HTX và tổ VSMT đang giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. Mức thu nhập của người lao động làm việc ở các HTX và tổ VSMT là từ 1 – 2 triệu đồng/tháng và ở các doanh nghiệp là từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Với sự góp sức tích cực của các doanh nghiệp, HTX và tổ VSMT, đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn của tỉnh đạt hơn 76% và ở khu vực đô thị là hơn 96%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, số lượng các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường còn hạn chế, năng lực xử lý chưa đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao về khối lượng và chất lượng dịch vụ.
Để tiếp tục thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực môi trường, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi trường trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường trên địa bàn và khả năng đáp ứng dịch vụ của doanh nghiệp hiện có.
Đồng thời, tăng cường tiếp cận, huy động tối đa các nguồn kinh phí để triển khai các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi trường.