Vifa tổ chức sơ kết sau một năm thực hiện dự án

BVR&MT – “Tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai góp phần quản lý rừng bền vững và sẵn sàng thực hiện (REDD+) ở cấp tỉnh” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ (UNDP – GEF SGP).

Ban điều hành dự án.

Góp phần thực hiện Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng, Chương trình hành động quốc gia về sáng kiến Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao trữ lượng các bon của rừng; Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược Tăng trưởng xanh và các chủ trương, chính sách khác về phát triển bền vững.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng xã Tả Ngài Chồ và các bên có liên quan về vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên đặc biệt là cộng đồng trong xây dựng và thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị do PGS. TS Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Vifa, Giám đốc dự án chủ trì cùng đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, UNBD huyện Mường Khương, UNBD xã Tả Ngải Chồ, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Khương, Ban điều hành, Nhóm chuyên gia của dự án và các trưởng thôn và hộ gia đình thực hiện dự án của xã tả Ngải Chồ đã tham dự. Tại Hội nghị Ban điều hành cùng các chuyên gia, nhà tài trợ đã ghi nhận Ban điều hành đã phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan ban nghành liên quan, người dân trong việc triển khai của dự án và khẳng định Dự án đã được triển khai thực hiện theo Văn kiện được phê duyệt, đảm bảo các mục tiêu, nội dung và kế hoạch đề ra, hầu hết các hoạt động đã được thực hiện và đạt kết quả với chất lượng tốt, mặc dù tiến độ bị chậm so với dự kiến ban đầu.

Trong quá trình triển khai đã hợp tác với Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI/TT) để thực hiện Hợp phần 4 về cơ chế giám sát, phản hồi các hoạt động của dự án, góp phần nâng cao hiệu quả và tác động của dự án.

Dự án nhận được sự quan tâm, phối hợp và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan như: UNDP/GEF, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, UBND Huyện Mường Khương, UBND xã Tả Ngải Chồ, BQL rừng phòng hộ Mường Khương, Trung tâm hỗ trợ pháp lý thuộc Sở Tư pháp Lào Cai,… và sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng các dân tộc thiểu số xã Tả Ngải Chồ giúp cho dự án được thực hiện thuận lợi, hiệu quả và thiết thực.

Cán bộ và bà con tham gia thực hiện dự án

Cán bộ thực hiện dự án của VIFA, nhóm chuyên gia và các cộng tác viên hiện trường đã có nhiều cố gắng trong công việc, với nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao, chủ động khắc phục các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ. Người dân tham gia các lớp tập huấn tương đối đầy đủ, đúng đối tượng, học tập nghiêm túc, góp phần cho thành công của dự án.

Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, dự án cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong năm 2016:

Tiến độ thực hiện dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu, bao gồm cả việc tổ chức triển khai, bố trí nhân sự và xây dựng kế hoạch thực hiện, cũng như việc xây dựng các mô hình ở thôn bản.

Lực lượng thực hiện dự án chưa nắm chắc các nội dung công việc từ đầu, trong khi điều kiện thực hiện dự án ở hiện trường có rất nhiều khó khăn, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều hạn chế trong việc thay đổi thói quen, tập quán cũ và tiếp thu các mô hình sinh kế mới.

Việc phối hợp giữa BĐH, nhóm chuyên gia và những người trực tiếp thực hiện dự án chưa được thường xuyên và chặt chẽ, do đó một số vấn đề cụ thể phát sinh trong khi triển khai tại địa phương chậm được xử lý dẫn đến lúng túng trong việc triển khai một số hoạt động và góp phần làm dự án bị chậm.

Tại Hội nghị, Giám đốc dự án và đại diện nhà tài trợ cần lưu ý xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện: Chủ dự án và những người thực hiện phải hiểu rõ về dự án, từ mục tiêu, nội dung, các hoạt động cụ thể và cách tiếp cận cũng như phương thức tổ chức thực hiện; phải có đủ năng lực, cả kiến thức và kinh nghiệm, để có thể chủ động và xử lý kịp thời, hiệu quả công việc trong quá trình thực hiện. Phải quan tâm đầy đủ đến các yếu tố đặc thù của địa phương thực hiện dự án cả về mặt điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội. Về mặt tự nhiên, phải chú ý các yếu tố sinh thái như địa hình, đất đai, khí hậu,.. để lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật canh tác phù hợp.

Về mặt kinh tế – xã hội, phải chú ý đến đặc thù của các dân tộc thiểu số, tôn trọng bản sắc dân tộc đặc trưng của họ, giúp họ nhận thức được những nét đẹp để phát huy cũng như những mặt lạc hậu, cổ hủ để hạn chế, khắc phục trong các phong tục, tập quán sinh hoạt và sản xuất của họ. Đây cũng là yếu tố để cộng đồng địa phương tham gia thực hiện dự án một cách hiệu quả và thực chất cũng như bảo đảm tính bền vững của kết quả dự án. Sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp và các ban, ngành của địa phương từ xã đến huyện và tỉnh là yếu tố rất quan trọng, bảo đảm cho sự thành công của dự án.

Một số hình ảnh tại xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: