BVR&MT – Ngày 15/12, tại trụ sở xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai VIFA đã tiến hành tổ chức hội thảo nhằm đánh giá kết quả bảo vệ và phát triển rừng thuộc dự án REDD+ đã được triển khai trong suốt 2 năm vừa qua ở địa phương này.
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS Triệu Văn Hùng, chủ tịch VIFA, TS. Hoàng Văn Hiện, chuyên gia của VIFA, cùng đông đảo cán bộ và bà con thôn bản trên địa bàn xã Tả Ngài Chồ nằm trong Dự án.
Với tư cách chủ trì, PGS.TS Triệu Văn Hùng đã thay mặt các chuyên gia đánh giá một cách tổng hợp và khách quan về tình hình triển khai cũng như kết quả đạt được của Dự án trong thời gian qua.
Theo đó, sự tham gia của cộng đồng để xây dựng và thực thi kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng là một bước tiến mới trong công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương. Chính vì vậy, Dự án đã giao cho người dân quyền tự giám sát lẫn nhau nhằm tối ưu hoá hình thức quản lý.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các mô hình theo quy chế đề ra vì người nông dân quen với hình thức làm việc tự do, khi sơ suất xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất cũng như hiệu quả kinh tế.
Cụ thể như sau:
Mô hình nuôi lợn: Đến nay còn 9 con nái, trong đó 3 con đã đẻ, 3 con sắp đẻ.
Mô hình nuôi gà: Trong quá trình nuôi của các hộ gia đình cho đến khi trưởng thành đạt kết quả tốt lên đến 90%. Hiện tại còn 199 con gà đẻ trứng, tuy nhiên gà đẻ ít, rải rác và không tập trung nên việc thu gom trứng không đảm bảo chất lượng do mưa ướt, không được thụ tinh..
Mô hình trồng ngô đạt kết quả tốt, với 42 kg phát cho các hộ trồng đã thu được 11 tấn hạt ngô.
Mô hình trồng hồi đạt kết quả tốt, cây trồng năm 2015 hầu hết là sống và phát triển tốt trên diện tích 20 ha.
Quỹ sinh kế đã giải ngân cho 50 hộ vay để phát triển chăn nuôi và đang phát huy tác dụng tốt. Quỹ này ngày càng được lớn mạnh qua quá trình hoạt động của quy chế. Đồng thời các tổ chức, đơn vị tiếp tục đóng góp qua các năm.
Bài học kinh nghiệm được rút ra là cần huy động sự tham gia của cộng đồng để xây dựng và thực thi kế hoạch một cách chủ động, tránh ỷ lại vào sự hỗ trợ của dự án mà tự phát triển sinh kế nhằm cải thiện đời sống cũng như nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ rừng.
Đó cũng chính là điểm ưu việt mà Dự án REDD+ tại Tả Ngải Chồ đem lại cho địa phương vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai tính tới thời điểm này.