Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ phát triển hệ thống vệ tinh nhỏ

BVR&MT  – Vào lúc 7 giờ 55 phút 16 giây (giờ Hà Nội) ngày 9/11, tên lửa Epsilon số 5 được điểm hỏa và phóng lên quỹ đạo, mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam.

Phương tiện phóng Epsilon-5 rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Ảnh: Đào Thanh Tùng/Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản

Đến 9 giờ 6 phút 54 giây (giờ Hà Nội), vệ tinh NanoDragon tách khỏi tên lửa, bắt đầu làm việc trong không gian ở độ cao 560 km. Nhân sự kiện này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Phạm Anh Tuấn về những nội dung liên quan.

Vệ tinh NanoDragon đã bay lên quỹ đạo, đây là vệ tinh hoàn toàn do các nhà khoa học Việt Nam chế tạo. Ông cho biết những khó khăn, thuận lợi trong chế tạo vệ tinh NanoDragon?

Có thể nói, đội ngũ nhân lực chế tạo vệ tinh NanoDragon đã có kinh nghiệm, ít nhất đã tham gia vào 2 dự án vệ tinh của Việt Nam trước đây là PicoDragon và MicroDragon. Một số thành viên được tham gia vào thêm khoảng 3-4 quá trình thử nghiệm các vệ tinh khác khi đang học bên Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước hỗ trợ về tinh thần cũng như các thủ tục. Bên cạnh đó còn được sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) trong việc thử nghiệm và phóng vệ tinh NanoDragon lên quỹ đạo.

Chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như: Cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế do Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thực hiện đến năm 2023, cơ sở hạ tầng đầu tư theo Dự án như Trung tâm nghiên cứu phát triển, trạm mặt đất, thiết bị thử nghiệm vệ tinh… chưa hoàn thành nên các thiết bị công nghệ cần dùng để phát triển vệ tinh NanoDragon còn khá khiêm tốn. Kinh phí cho nghiên cứu và chế tạo vệ tinh có giới hạn, chỉ có kinh phí cho phần chế tạo vệ tinh mà không bao gồm kinh phí phóng, trạm mặt đất.

Hơn nữa, Việt Nam cũng là một trong những nước phụ thuộc vào quy chế kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao (ITAR), do đó một số thiết bị công nghệ cao cần mua phải xử lý thủ tục xuất khẩu phức tạp, một số thiết bị không thể mua được. Điều này khác biệt khá nhiều với vệ tinh MicroDragon khi vệ tinh được phát triển ở Nhật Bản. Cùng với đó, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn hạn chế, các công ty nhỏ trình độ kỹ thuật còn yếu, các công ty có kỹ thuật tốt thường không mặn mà với việc chế tạo sản phẩm đơn chiếc, tỉ suất lợi nhuận ít. Do đó, rất khó để triển khai được các thiết kế theo mong muốn của nhóm.

Ngoài ra, kế hoạch thực hiện dự án vừa phải bám theo yêu cầu của “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020” vừa cần theo kế hoạch của Chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo số 2” điều hành bởi Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật bản (JAXA), Nhật Bản.

Khi làm việc trên vũ trụ ở độ cao 560 km, vệ tinh sẽ phải đáp ứng những yêu cầu gì đặc biệt về vật liệu? Năng lượng, tuổi thọ của vệ tinh là bao lâu và khi vệ tinh NanoDragon của Việt Nam hoạt động trong không gian mang lại những lợi ích gì thưa ông?

Đặc điểm chung của các hệ thống hoạt động trên vũ trụ đều là vệ tinh hoạt động trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt (môi trường phóng, môi trường chân không, không trọng lượng, tác động mạnh bởi các tia, hạt năng lượng cao…) và khác hẳn với môi trường ở dưới mặt đất. Vệ tinh làm việc hoàn toàn từ xa, không được bảo dưỡng, sửa chữa trong suốt thời gian hoạt động; đồng thời chi phí đưa vệ tinh vào quỹ đạo hoạt động là rất cao.

Từ những đặc điểm trên, việc phát triển vệ tinh sẽ đối mặt với nhiều thách thức, vệ tinh là sản phẩm đặc thù, rất phức tạp, cần có sự phối hợp liên ngành khi chế tạo. Vệ tinh làm việc trong môi trường và điều kiện đặc biệt nên cần quy trình giám sát, quản lý chất lượng tốt, chặt chẽ. Các linh kiện trên vệ tinh cần có khối lượng và kích thước nhỏ, hiệu suất cao được kiểm nghiệm ứng dụng trên vũ trụ, có khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt. Đó thực chất là các sản phẩm công nghệ cao, thường được sử dụng trong công nghiệp quốc phòng nên việc tiếp cận các sản phẩm này cần vượt qua các rào cản do bị kiểm soát xuất khẩu rất chặt chẽ… Điều đó dẫn đến chi phí sản xuất vệ tinh lớn mà bất kỳ sự hỏng hóc nào trong hệ thống vệ tinh có thể dẫn đến thiệt hại nhiều về kinh tế. Đây cũng là một rào cản cho sự phát triển của ngành.

Đối với Việt Nam, chúng ta còn phải đương đầu với thách thức khác như: Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng mỏng, đầu tư thấp, sự hạn chế trong nhận thức về công nghệ vệ tinh ảnh hưởng đến sự tham gia vào chuỗi cung ứng của các thành phần kinh tế.

Có thể thấy, vệ tinh NanoDragon là một vệ tinh nghiên cứu, tuổi thọ theo yêu cầu thiết kế vệ tinh là tối thiểu 6 tháng. Tuy nhiên, với các thông số hiện tại, chúng tôi hy vọng vệ tinh có thể hoạt động trên quỹ đạo trên 2 năm.

Có thể nói, NanoDragon là một vệ tinh nghiên cứu, do đó một số lợi ích vệ tinh có thể mang lại như: Chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Trên cơ sở kết quả này, chúng ta có thể tính tới bài toán sử dụng chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ có tính năng tương tự NanoDragon trong các hoạt động dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp chúng ta tích lũy kinh nghiệm, phát triển đội ngũ, thiết lập mạng lưới nhà cung cấp, hoàn thiện quy trình,… để từ đó làm nền tảng phát triển các vệ tinh “Made in Vietnam” tiếp theo.

Ông cho biết đánh giá chung về khoa học công nghệ vũ trụ của Việt Nam hiện nay?

Công nghệ vũ trụ là công nghệ được sử dụng trong các hoạt động bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất, cho các mục đích như bay vào vũ trụ hoặc khám phá không gian. Các công nghệ mới bắt nguồn từ công nghệ vũ trụ thường được khai thác sau đó phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng khác. Các công nghệ thông dụng có thể kể đến như: Vệ tinh viễn thông phục vụ truyền hình, internet, điện thoại vệ tinh; vệ tinh viễn thám phục vụ quan sát trái đất, dự báo khí tượng thủy văn; vệ tinh định vị toàn cầu phục vụ các hoạt động giao thông…

Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu một số lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ từ những năm 1980. Nhưng các nghiên cứu làm chủ công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh mới chỉ được bắt đầu từ năm 2006 để thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và úng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020”.

Cho đến nay, ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như: Phóng 2 vệ tinh viễn thông VINASAT, 1 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat và các hệ thống trạm thu – trạm điều khiển vệ tinh, tự phát triển 3 vệ tinh nhỏ (Pico/Nano/MicroDragon). Đặc biệt, ngành đang thực hiện dự án trọng điểm Quốc gia xây dựng “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” với 3 thành phần chính là: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo đội ngũ trình độ cao và tiếp nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh để tạo cơ sở vững chắc cho thực hiện mục tiêu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ của Việt Nam trong “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến 2030” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để đo trình độ phát triển công nghệ vũ trụ của các quốc gia, tuy nhiên người ta có thể phân loại theo một số dấu mốc như: Những nước sở hữu công nghệ tên lửa có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo (hiện nay trên thế giới chỉ có 12 nước sở hữu công nghệ này), những nước sở hữu vệ tinh trên quỹ đạo, những nước chưa sở hữu vệ tinh.

Trong khối ASEAN, Việt Nam là một trong 4 nước có thể tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ của riêng mình. Tuy nhiên, nếu so sánh ở tầm thế giới về tổng thể về trình độ khoa học và công nghệ vũ trụ, chúng ta còn khá khiêm tốn và cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Việt Nam hiện nay đã sở hữu 6 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo bao gồm 2 vệ tinh viễn thông và 1 vệ tinh lớp quan sát trái đất và 3 vệ tinh nghiên cứu. Nếu nhìn trên góc độ phương thức chế tạo thì trong đó có 3 vệ tinh chúng ta mua từ các công ty thương mại trên thế giới và 3 vệ tinh do người Việt Nam chúng ta phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!