BVR&MT – Trong 45 năm kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, từ một nước kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, trở thành đối tác có trách nhiệm, tham gia gánh vác nhiều trọng trách.
Ngày 20/9, cơ quan Thư viện và Lưu trữ của Liên hợp quốc tại Geneva đã khai trương Trưng bày tư liệu và hiện vật lịch sử kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa đa phương tại Geneva (1920-2020) để nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong thế giới đang có nhiều đổi thay hiện nay.
Cũng nhân dịp này, đúng ngày kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2022), Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã ký tên vào tấm áp phích Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời cùng cán bộ, nhân viên phái đoàn đến tham dự cuộc Trưng bày.
Tiền thân của Liên hợp quốc là Hội Quốc liên được thành lập vào tháng 1/1920 với trụ sở ở Geneva trên cơ sở Hiệp ước Versailles ký kết năm 1919. Hội Quốc liên là tổ chức quốc tế liên chính phủ nhằm phát triển sự hợp tác hữu nghị và đảm bảo hòa bình và an ninh cho các quốc gia thành viên. Hội Quốc liên ra đời đánh dấu sự phát triển của ngoại giao đa phương.
Sau khi Liên hợp quốc được thành lập (24/10/1945), và Geneva trở thành trụ sở thứ 2 của Liên hợp quốc ở châu Âu, ngoài trụ sở chính đặt tại New York (Mỹ). Thư viện và Lưu trữ của Hội Quốc liên trở thành Thư viện và Lưu trữ của Liên hợp quốc ở Geneva.
Trong hơn 100 năm qua, chủ nghĩa đa phương đã phát triển từ những bước khởi đầu của Hội Quốc liên ở Geneva trở thành hệ thống hợp tác đa phương chuyên sâu và toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài khuôn khổ Liên hợp quốc, với nhiều các tổ chức quốc tế chuyên môn.
Geneva là một trung tâm quan trọng toàn cầu của chủ nghĩa đa phương, nơi đặt trụ sở của Văn phòng Liên hợp quốc ở châu Âu và hơn 30 tổ chức quốc tế liên chính phủ về các lĩnh vực chuyên môn, thúc đẩy hợp tác đa phương giữa các quốc gia trải rộng từ quyền con người, hỗ trợ nhân đạo, giải trừ quân bị, lao động, y tế, thương mại và phát triển, sở hữu trí tuệ, viễn thông, khí tượng thủy văn, tiêu chuẩn đo lường…
Đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã gây áp lực đối với chủ nghĩa đa phương, tuy nhiên các cuộc họp của các thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đã nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến rồi kết hợp với họp trực tiếp, hoạt động ngoại giao đa phương không bị gián đoạn.
Ngay sau khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ, Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva đã tổ chức nhiều hoạt động cùng với các quốc gia thành viên, và các đối tác khác, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân, đồng thời khai trương cuộc Trưng bày tư liệu, hiện vật lịch sử kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa đa phương.
Thư viện Liên hợp quốc ở Geneva là thư viện lớn nhất của Liên hợp quốc tổ chức trưng bày trong thời gian từ ngày 20/9-28/10, nhằm mục đích giới thiệu cho cán bộ ngoại giao tại Geneva và công chúng về sự phát triển của chủ nghĩa đa phương trong các lĩnh vực khác nhau từ thời kỳ Hội Quốc liên cho đến công việc ngày nay của Liên hợp quốc.
Thư viện này cung cấp thông tin cho Ban thư ký, đồng thời phục vụ công chúng và các nhà khoa học trên thế giới.
Các tư liệu và hiện vật được trưng bày mang ý nghĩa lịch sử, ví dụ như bản Hiệp ước Versailles năm 1919, hộ chiếu Nansen thời năm 1922-1938 là giấy tờ đi lại cho người tị nạn, văn bản Công ước về nô lệ được đưa ra tại Geneva năm 1926, dự thảo đầu tiên của Tuyên ngôn thế giới về các quyền con người…
Cách đây 45 năm, ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Việt Nam luôn ủng hộ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Nhân dịp này, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva đã tổ chức thăm Trưng bày kỷ niệm 100 năm Chủ nghĩa đa phương tại Geneva, thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực tích cực của Việt Nam đề cao và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.
Geneva cũng là nơi Việt Nam tích cực và kiên trì thúc đẩy ngoại giao vì hòa bình ngay từ thời kỳ đầu mới giành độc lập, thông qua Hội nghị Geneva năm 1954 về việc thiết lập lại hòa bình ở Đông Dương, với kết quả đi đến ký kết 3 Hiệp định Geneva năm 1954 về chấm dứt chiến tranh và thiết lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
Việc ký các Hiệp định Geneva này đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng cũng như lịch sử ngoại giao Việt Nam, đồng thời thể hiện khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn với độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong 45 năm kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, từ một nước kém phát triển Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp, trở thành đối tác có trách nhiệm, tham gia gánh vác nhiều trọng trách, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, thực hiện hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là về xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế và giáo dục.
Triển lãm trưng bày các tư liệu và hiện vật lịch sử tại Thư viện Liên hợp quốc ở Geneva năm nay giúp kết nối công chúng với các vấn đề toàn cầu hiện tại.
Đây cũng là dịp để Liên hợp quốc cùng các quốc gia thành viên thúc đẩy duy trì hòa bình thông qua chủ nghĩa đa phương, ôn lại những bài học của quá khứ khi cùng hướng về tương lai./.