Việt Nam sẽ có thêm 14.000 ha rừng được quản lý bền vững

BVR&MT – Tin từ Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho hay, trong hai năm tới, WWF sẽ phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hỗ trợ các nhóm hộ trồng rừng tại 3 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC quốc tế.

Nếu đạt được chứng nhận này, Việt Nam sẽ có thêm 14.000 ha rừng được quản lý bền vững, góp một phần nhỏ nhằm đạt mục tiêu 500.000 ha rừng đạt chứng chỉ vào năm 2020 trên toàn quốc.

Hoạt động hợp tác này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ chủ rừng quy mô nhỏ quản lý rừng bền vững theo hướng tự nhiên và quá trình kiểm soát tính hợp pháp gỗ ở Việt Nam” (gọi tắt là BMEL).

Đáng lưu ý là không chỉ hỗ trợ các nhóm hộ trong quản lý rừng bền vững, Dự án còn giúp các nhóm xây dựng cơ chế quản lý, vận hành và được thừa nhận về mặt pháp lý với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Đức. Cụ thể: Dự án sẽ làm việc với UBND tỉnh và các ban, ngành địa phương để thống nhất về cơ chế quản lý các nhóm hộ tại ba tỉnh, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và cơ chế tài chính bền vững cho Hội chủ rừng Việt Nam.

Ngoài ra, các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các nhóm hộ, giúp họ có kỹ năng về huy động nguồn vốn và lập kế hoạch chiến lược lâu dài cũng là mục tiêu quan trọng của dự án. Đặc biệt, một bộ tài liệu hướng dẫn quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sẽ được xây dựng và phổ biến cho các nhóm hộ, thậm chí nhân rộng ra các tỉnh khác.

Việt Nam là một trong năm quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất trên thế giới với giá trị gỗ xuất khẩu gần 7,3 tỷ đô la năm 2016. Tuy nhiên, diện tích rừng đạt chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Việt Nam rất thấp, chỉ xấp xỉ 230.000 ha, trong khi đó các thị trường nhập khẩu có giá trị cao luôn đòi hỏi gỗ có chứng nhận này. Do đó, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu trung bình khoảng 4 triệu m3 nguyên liệu gỗ có chứng chỉ, dẫn đến bị phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu gỗ khác và không tận dụng được nguồn gỗ nội địa.


Hồng Ngọc