BVR&MT – Ngày 3/11/2021 đã được UNESCO tuyên bố là Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Năm 2022, Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được kỷ niệm trên toàn thế giới.
Đây là sự kiện quan trọng để tuyên truyền sâu rộng cho toàn xã hội về vai trò của khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với đời sống và sinh kế con người; kêu gọi các sáng kiến và hành động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện các sinh kế bền vững cho cộng đồng trên toàn cầu và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các quốc gia.
Nhân dịp này, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, Việt Nam tự hào đã được công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới với những khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học của đất nước, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Trong thời gian qua, chính sách và hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ quản lý các khu dự trữ sinh quyển đã từng bước được thiết lập. Tăng cường hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển là một nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại các khu dự trữ sinh quyển, đã có nhiều sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thực hiện và lan tỏa trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển và góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Thứ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch Covid-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chính các khu dự trữ sinh quyển là những “phòng thí nghiệm thiên nhiên” để chúng ta áp dụng cách tiếp cận toàn cầu, các phương thức, giải pháp mới nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững.
Cũng nhân dịp này, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, hoạt động tích cực của Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đã đáp ứng 7 tiêu chí của Khung pháp lý về Mạng lưới toàn cầu các khu dự trữ sinh quyển, Kế hoạch hành động Lima về các khu dự trữ sinh quyển giai đoạn 2016-2025. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đã được UNESCO quốc tế ghi nhận thực hiện thành công phương châm “bảo tồn cho phát triển – Phát triển cho bảo tồn” và khung hoạt động “Tư duy hệ thống – Quy hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành – Kinh tế chất lượng” do Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam khởi xướng.
Những hoạt động đó, đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội thành phố. “Hải Phòng cam kết chung tay chủ động, tích cực bảo vệ môi trường; giữ gìn, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đặc hữu của Khu sinh quyển quần đảo Cát Bà” – Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ nói.
Kỷ niệm Ngày quốc tế đầu tiên về khu dự trữ sinh quyển, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tự hào đã và đang có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững khu dự trữ sinh quyển nhằm tăng cường khả năng phục hồi môi trường trước các mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương. Việc thiết kế quản lý tích hợp các khu dự trữ sinh quyển là điều vô cùng cần thiết để giải quyết những thách thức trước mắt và bảo đảm sự chung sống lâu dài giữa chúng ta với thiên nhiên.
Các cam kết của UNDP trong việc gây dựng mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên được thể hiện xuyên suốt trong 44 năm hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể là các can thiệp về bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên song song với việc phát triển sinh kế cho người dân địa phương. Các thí dụ bao gồm thiết lập các khu bảo tồn đất ngập nước tại Thái Bình và Thừa Thiên Huế, phục hồi đa dạng sinh học rừng và cải thiện các dịch vụ hệ sinh thái thông qua quản lý rừng lồng ghép, bền vững với cách tiếp cận tổng hợp cấp cảnh quan, tăng cường khả năng chống chịu cho các mô hình sản xuất lương thực và chuỗi cung ứng tại Tây Nguyên, tới việc thúc đẩy chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng kiến thức bản địa về nguồn gien cho các cộng đồng địa phương tại khu vực miền núi phía bắc.
UNDP luôn đề cao và thực hiện các giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên, bao gồm việc cải thiện cơ cấu kinh tế xã hội cho người dân vùng nông thôn cũng như bảo vệ môi trường sống của họ. Đồng thời, lồng ghép bình đẳng giới và hòa nhập xã hội được thể hiện rõ trong các thiết kế dự án nhằm tối đa hóa mức độ đại diện và tham gia trong các tham vấn cải thiện khung pháp lý, triển khai hành động liên ngành hiệu quả, và nâng cao năng lực, nhận thức, trong đó có việc khuyến khích tăng cường sự tham gia của các nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, sản xuất dưới tán rừng và du lịch sinh thái, cũng như hỗ trợ sinh kế từ rừng cho cộng đồng địa phương.
“Các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các khu dự trữ sinh quyển. Hưởng ứng Ngày quốc tế lần thứ nhất về khu dự trữ sinh quyển, chúng tôi kêu gọi các hành động đồng bộ, phối hợp đa bên để bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cũng như cần ưu tiên xem xét các nhu cầu của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì cách tiếp cận cảnh quan và tăng cường hấp thụ khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 mà cộng đồng quốc tế đặt ra”, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chia sẻ.
Kể từ năm 2015, UNDP đã tiếp tục các nỗ lực trong hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông qua việc hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan, trong đó có việc xây dựng và thực hiện Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển (Dự án khu dự trữ sinh quyển), do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP thực hiện, từ 2020-2024.
Dự án khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy quản lý tổng hợp các khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn các hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An, Đồng Nai, Tây Nghệ An, song song với phát triển sinh kế địa phương. Việc tăng cường quản lý hiệu quả các khu dự trữ sinh quyển được thực hiện thông qua các đề xuất cải thiện khung pháp lý và thể chế, đi đôi với các hành động liên ngành tại địa phương để phục hồi và bảo vệ tốt hơn 4.000 ha rừng bị suy thoái, quản lý bền vững 60.000 ha diện tích “khu vực dành riêng” (là không gian bên ngoài các khu bảo tồn mà có giá trị cao về bảo tồn đa dạng sinh học), và gia tăng sinh kế cho 2.500 hộ gia đình với thu nhập bình quân tăng ít nhất 20%, trong đó 9.350 người được hưởng lợi trực tiếp, với 40% trong số đó là phụ nữ.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các thực hiện các giải pháp hài hòa việc bảo tồn và phát triển.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới khu dự trữ sinh quyển phát triển rộng khắp trên toàn các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việc các khu dự trữ sinh quyển được công nhận, không chỉ được thừa nhận các giá trị nổi trội về thiên nhiên và đa dạng sinh học, mà còn tạo cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững, thu hút đầu tư phát triển, hợp tác và sự tham gia của các bên liên quan đối với các quốc gia. |