BVR&MT – Việt Nam đang xem xét cấm buôn bán động vật hoang dã trong bối cảnh đại dịch covid-19 tiếp tục bùng phát dữ dội trên toàn thế giới.
Giả thuyết khoa học cho thấy virus corona chủng mới (COVID-19) bắt đầu tại một khu chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bán tươi động vật hoang dã và các bộ phận động vật, một nhóm các tổ chức bảo tồn đã gửi thư ngỏ tới thủ tướng Việt Nam vào ngày 16/2.
Các tổ chức bảo tồn ở trong và ngoài nước mới đây đã gửi thư ngỏ lên kêu gọi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần “thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam”.
“Sự xuất hiện của Covid-19, với bằng chứng ban đầu về mối liên hệ giữa vật chủ và virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã đã thúc đẩy chúng tôi đề xuất vấn đề này với các nhà hoạch định chính sách nhằm giải quyết rủi ro cũng như đặt ra yêu cầu cần phải bảo vệ động vật hoang dã. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ thực thi Luật bảo vệ động vật hoang dã và chấm dứt việc buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp”, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tổ chức bảo tồn đồng soạn và ký gửi thư ngỏ cho biết qua email.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phúc đáp lời đề nghị này vào ngày 6/3 bằng cách giao Bộ NN&PTNT soạn thảo chỉ thị cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/4. Hiện Bộ NN&PTNT chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Cuối tháng 2, chính phủ Trung Quốc đã cấm vĩnh viễn việc buôn bán động vật hoang dã, cấm tiêu thụ những loài động vật hoang dã không phải thủy sinh, kể cả những loài nuôi nhốt. Động thái này tiếp nối lệnh cấm đối với các chợ động vật hoang dã trên toàn quốc – một phản ứng đối phó với dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, theo WCS, lệnh cấm của Trung Quốc chỉ bao gồm các sản phẩm để làm thực phẩm, không dành cho các mục đích sử dụng khác như làm thuốc hoặc lấy lông.
Benjamin Rawson, Giám đốc bảo tồn và phát triển chương trình thuộc WWF Việt Nam – cơ quan tham gia ký thư ngỏ, cho biết: “Chúng tôi mong rằng Bộ NN&PTNT sẽ rà soát chính sách động vật hoang dã, cả thương mại quốc tế và nội địa, cả bất hợp pháp và hợp pháp. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ có các chỉ thị về việc xử lý vi phạm buôn bán động vật hoang dã làm thực phẩm bởi có rất nhiều rủi ro trong chuỗi cung ứng từ thợ săn cho đến người tiêu dùng”.
Thịt động vật hoang dã, dù không được bán rộng rãi ở các thành phố lớn của Việt Nam nhưng tương đối dễ tìm thấy trên khắp đất nước và vẫn phổ biến ở các khu vực nông thôn. Rất khó để đánh giá quy mô của thị trường động vật hoang dã ở Việt Nam (cả bất hợp pháp hoặc hợp pháp). Buôn lậu liên quan chủ yếu đến các loài có giá trị cao như hổ, tê giác và voi trong khi hầu hết các loài nhỏ hơn không được kiểm soát. Nguồn cung là sự pha trộn giữa động vật hoang dã, chẳng hạn như tê tê và mèo rừng với động vật được nuôi trong các trang trại như cầy hương và gấu chó.
Chim rất được ưa chuộng. Theo một báo cáo công bố vào tháng 2 năm nay của TRAFFIC, một cuộc khảo sát kéo dài ba ngày tại hai đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 4/2016 của tổ chức này đã phát hiện 8.047 cá thể chim thuộc 115 loài bị rao bán, 99% là loài bản địa và 90% không được pháp luật bảo vệ. Báo cáo cũng tìm thấy nhiều quảng cáo các bộ phận và sản phẩm từ gấu trên các trang web thương mại điện tử đã vi phạm luật pháp Việt Nam.
Theo Rawson, giải quyết vấn đề buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ không thể khắc phục đại dịch Covid-19 hiện tại nhưng hy vọng là sẽ ngăn chặn được thảm họa toàn cầu kiểu này tái diễn.
“Cơ bản nhất, chúng ta chứng kiến dịch COVID-19 bùng phát, thị trường chứng khoán rơi tự do, nỗi sợ hãi chung dấy lên trong công chúng, một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, và tình trạng này thực sự là kết quả của những người muốn ăn động vật hoang dã. Vì vậy, nếu chúng ta thực sự muốn giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc, chúng ta phải đi đến tận cùng của nhu cầu này”.
Trong những năm gần đây, người ta đã chú ý nhiều đến vai trò của các loài có giá trị cao như tê giác, voi, tê tê, và nhận thức về nhu cầu bảo tồn các loài này đã được cải thiện, đặc biệt là ở giới trẻ Việt Nam.
Làm cách nào chấm dứt buôn bán?
Thực thi liên quan đến mọi bước của giao dịch sẽ là chìa khóa, theo Rawson.
“Điều đó có nghĩa là thắt chặt khâu điều tra, bắt giữ và truy tố các tội phạm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Ngoài ra, nuôi động vật hoang dã là một lĩnh vực quan trọng khác cần được xem xét chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro trong tương lai”.
Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng rất quan trọng vì một số người vẫn tin rằng thịt động vật hoang dã an toàn hơn thịt nuôi.
“Đây là thời điểm quan trọng để thử và thay đổi những nhận thức về văn hóa đó. Không có chế tài cũng không lưu trữ chuỗi lạnh thịt hoang dã, và có những ổ dịch bệnh trong quần thể động vật hoang dã. Cộng đồng bảo tồn đang nhân cơ hội dịch bùng phát để nói với mọi người rằng thịt rừng không phải là một lựa chọn an toàn cho sức khỏe cá nhân hoặc y tế công”, Rawson phân tích.
Ông Trịnh Lê Nguyên hy vọng sẽ có thể phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các cơ quan chính phủ khác để xây dựng lệnh cấm. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn chưa tiếp cận được với Bộ NN&PTNT và chưa có thêm thông tin chi tiết nào về lệnh cấm.
Thư ngỏ của các tổ chức bảo tồn khuyến nghị cần xác định và đóng cửa các nhà hàng bán thịt hoang dã bất hợp pháp, đóng các chợ bán động vật hoang dã, yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử và phương tiện truyền thông xã hội loại bỏ quảng cáo sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp, và đưa ra các chế tài mạnh mẽ về nuôi nhốt động vật hoang dã.
“Cuộc khủng hoảng hiện tại là kết quả trực tiếp của nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã, thường là bất hợp pháp, và chúng ta thực sự cần phải giải quyết chuỗi cung v cầu thịt động vật nếu muốn tránh được thảm họa trong tương lai. Đây phải là vấn đề chính sách cấp cao, và nó bắt đầu trở thành một vấn đề rất đáng khích lệ”, Rawson nói.
Nhật Anh (Theo Mongabay)