BVR&MT – Trước thông tin một số cơ quan báo chí phản ánh về việc hoa Đà Lạt gặp khó trong xuất khẩu sang Australia do vướng quy định mới của Việt Nam cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate, ngày 14/7, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
PV: Vừa qua một số cơ quan báo chí phản ánh về việc các container hoa Đà Lạt buộc phải quay đầu trở về và mang đi tiêu hủy do vướng quy định mới của Việt Nam cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate. Nhiều thông tin cho rằng việc ngay lập tức áp quy định cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate khiến cho người nông dân và các doanh nghiệp không kịp “trở tay”, xin ông chia sẻ ý kiến của Cục về vấn đề này?
Ông Hoàng Trung: Việc loại bỏ hoạt chất Glyphosate đã được ra quyết định từ tháng 4/2019 và có lộ trình cụ thể, trong suốt 2 năm vừa qua. Sau ngày 30/6/2021, Việt Nam mới chính thức cấm sử dụng hoạt chất này.
Cũng cần phải nói rõ, các quy định thông tư này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật phổ biến rất rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, những doanh nghiệp kể cả nhập khẩu và phân phối. Điều đó rất công khai minh bạch cả hai năm nay chứ không phải đến nay Bộ mới cấm.
Ba tháng trước ngày 30/6, Cục Bảo vệ thực vật đã có một văn bản nữa nhắc nhở các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosate để chủ động kế hoạch đối với quyết định này của Bộ. Như vậy, cần hiểu rằng doanh nghiệp hoàn toàn chủ động. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật đã làm lộ trình đúng theo thông lệ quốc tế và khoa học bảo đảm đủ thời gian để các doanh nghiệp thích ứng với quyết định mới này chứ không thể nói cấm bất ngờ.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng quy định mới của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gây khó cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hoa sang các thị trường nước ngoài, quan điểm của ông về ý kiến trên như thế nào?
Ông Hoàng Trung: Hiện nay, hoa của Việt Nam xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới, trong đó có Australia. Trong những loại hoa xuất khẩu đến Australia cũng chỉ có 2 loại hoa là hoa cúc và hoa cẩm chướng được yêu cầu xử lý cắt cành phải sử dụng hoạt chất Glyphosate một lượng rất nhỏ để ngâm cành hoa trong 20 phút nhằm triệt tiêu sự nảy mầm.
Yêu cầu này từ phía Australia là để ngăn cấm mọi sinh vật, thực vật ngoại lai có thể xâm nhập Australia. Phía bạn đã nghiên cứu rất kỹ nên trong tất cả các loại hoa nhập khẩu, khả năng nảy mầm sau khi vào nội địa phía Australia chỉ có hoa cúc và hoa cẩm chướng.
Trước thời điểm ngày 30/6/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã liên tục có các văn bản về lộ trình cấm hoạt chất Glyphosate đến các đơn vị, tổ chức, địa phương có lượng rau, hoa, quả dùng để xuất khẩu lớn, trong đó có Đà Lạt nói chung và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm nói riêng. Thậm chí, trực tiếp bản thân tôi đã có làm việc, thuyết phục Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm bỏ dùng hoạt chất Glyphosate và tìm hoạt chất khác thay thế.
Hai hoạt chất thay thế đã được khảo nghiệm trên mẫu hoa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm và cũng đã được gửi sang Bộ Nông nghiệp Australia để xem xét. Phía bạn đã đồng ý xem xét việc này. Chúng tôi cũng có những trao đổi thường xuyên về các yêu cầu bảo vệ thực vật của hai nước để thuận lợi cho xuất nhập khẩu thực vật giữa Australia và Việt Nam.
PV: Nhiều doanh nghiệp mong muốn được giãn thời gian áp dụng quy định cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Glyphosate để có thêm thời gian chuẩn bị. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Trung: Thông tư số 10/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ 30/6/2021, và theo đúng Luật Bảo vệ thực vật Việt Nam, những loại thuốc không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật thì đương nhiên không được sử dụng. Trước khi ra thông tư loại bỏ hợp chất Glyphosate, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật đã có nhiều báo cáo khoa học về thành phần hợp chất Glyphosate có thể gây ung thư cho con người.
Với quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Cục Bảo vệ thực vật là trên hết phải vệ sức khỏe của người dân; thứ hai là bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng theo đúng Luật bảo vệ thực vật chúng ta phải làm, theo đúng lộ trình là 2 năm. Không thể nói là không có thời gian để thích ứng.
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội hoa Đà Lạt mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm thời vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp và các thành viên Hiệp hội hoa được tiếp tục sử dụng Glyphosate cho đến khi Australia đồng ý thay thế hoạt chất khác, tôi khẳng định việc lùi thời hạn là không thể, chúng ta làm đúng theo quy định của Thông tư đã đưa ra. Việc gia hạn sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội khác chứ không phải chỉ là chuyện xuất khẩu hoa.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp cũng như trách nhiệm từ phía Cục Bảo vệ thực vật là gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này thưa ông?
Ông Hoàng Trung: Giải pháp đưa ra là tìm các hoạt chất thay thế. Hiện, chúng tôi đã thống nhất với Dalat Hasfarm các kết quả khảo nghiệm các hoạt chất thay thế phù hợp. Ngay sau đó Cục cũng đã có Công hàm và gửi toàn bộ tài liệu kỹ thuật này sang Australia. Trước đó, Cục đã đàm phán với Australia và họ đã đồng ý xem xét các hoạt chất thay thế cho Glyphosate với tinh thần rất khẩn trương.
Và hiện nay, hằng ngày chúng tôi cùng với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng phối hợp với Tham tán của Australia tại Việt Nam đôn đốc phía Bộ Nông nghiệp Australia làm sao để có trả lời và chấp thuận trong thời gian sớm nhất. Họ cũng rất thiện chí xem xét các hoạt chất thay thế.
Còn vấn đề thời gian thì phụ thuộc nhiều yếu tố như: thông số kỹ thuật, số lượng loài bị hại; xác định được các biện pháp xử lý; thái độ làm việc của họ nữa.
PV: Ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp lúc này?
Ông Hoàng Trung: Hiện nay, chỉ duy nhất có thị trường Australia quy định sử dụng hoạt chất Glyphosate ngâm cành hoa khi đóng gói nhằm triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng.
Australia có quy định rất chặt chẽ về hàng hóa nhập khẩu. Quy định đầu tiên của Australia là việc ngăn chặn các sinh vật ngoại lai xâm hại. Do vậy, Australia không để nguy cơ các sinh vật sống vào nước họ và trở thành sinh vật ngoại lai. Hai loại hoa trên có tỷ lệ nảy mầm lớn và để bảo đảm tuyệt đối các loại hoa trên vào Australia không có khả năng nẩy mầm, việc sử dụng Glyphosate chủ yếu là xử lý triệt để khả năng này của cành hoa.
Tôi xin nhấn mạnh là hiện chỉ có 2 loại hoa là cẩm chướng và cúc là phía Australia có yêu cầu đó. Trong khi đó, tổng sản lượng hoa cắt cành của các công ty xuất khẩu sang thị trường Australia là không nhiều. Do đó, ảnh hưởng của quy định này không đến mức gây khó khăn quá cho doanh nghiệp.
Hiện, thị trường xuất khẩu Mỹ, EU, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều nhập khẩu bình thường. Cục đề nghị các doanh nghiệp, trong đó có Dalat Hasfarm tăng cường xuất khẩu đi các thị trường khác để tránh bị động. Về phía Cục cũng đang chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch tạo điều kiện tối đa, nhanh nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoa.
Tôi cũng đề nghị Dalat Hasfarm phối hợp với Cục để cung cấp đầy đủ các thông tin về các hoạt chất thay thế để có thể cung cấp cho phía Australia khi họ có yêu cầu đề phía họ sớm chấp nhận các hoạt chất thay thế.
Mặt khác cần đẩy mạnh hơn nữa tiêu thụ nội địa. Hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều hoạt động không thiết yếu không được mở cửa, vậy những chỗ nào còn mở được thì đẩy mạnh khai thác thị trường đó.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trước đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm thông tin, theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, từ ngày 1/7/2021, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước. Trong khi đó, hàng chục năm qua Dalat Hasfarm sử dụng hoạt chất Glyphosate ngâm cành hoa trong 20 phút trước khi đóng gói nhằm triệt mầm hoa cúc. Điều đáng nói là, hoạt chất Glyphosate được Australia, Nhật Bản là những nước nhập khẩu hoa Đà Lạt chấp nhận. Do quy định này nên hơn 10 ngày qua, Tổ Kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đóng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) từ chối không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Australia. Do đó, Dalat Hasfarm phải chở khoảng 700.000 cành hoa cúc, cẩm chướng về lại trang trại ở Đạ Ròn (Đơn Dương) để tiêu hủy. |