BVR&MT – Chắc hẳn trong chúng ta, nhiều người đã biết về Vườn quốc gia Hoàng Liên – Vườn Di sản ASEAN. Trong lòng những du khách đã có may mắn được đến thăm Vườn quốc gia Hoàng Liên, những cảnh đẹp kỳ vĩ, giá trị văn hóa, cảm nhận được cái thần của thiên nhiên đã được nâng lên tầm cao mới. Tuy nhiên, khu bảo tồn tuyệt vời này đang đứng trước nhiều nguy cơ lớn.
Phong cảnh tuyệt vời và những tồn tại
Quả thật Vườn quốc gia Hoàng Liên là một tặng phẩm hậu hĩnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nói chung, chứ không riêng gì người Việt Nam. Tọa lạc trên dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ, Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng của Việt Nam có hệ động thực vật rất phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm (66 loài trong Sách đỏ Việt Nam). Các ngọn núi, cánh rừng và vùng sinh thái của Vườn quốc gia Hoàng Liên rất rộng lớn và kỳ vĩ, đủ để làm thích thú bất cứ người nào.
Thiên nhiên, sinh vật tuyệt vời như vậy, nhưng cũng làm nhiều du khách và cả các nhà quản lý phải nặng lòng trăn trở, nghĩ suy. Đây là một hệ sinh thái đã được công nhận và là báu vật của Việt Nam, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa làm đủ để Vườn quốc gia Hoàng Liên có chỗ đứng lớn trong lòng chính những người Việt Nam và thế giới.
Trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng internet, chưa thấy nhiều các thông tin giới thiệu vẻ đẹp cũng như giá trị văn hóa, các lời tuyên truyền về Vườn quốc gia Hoàng Liên. Hàng năm, Vườn quốc gia này đón tiếp khá nhiều khách tới thăm nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có.
Vậy phải chăng là công tác tuyên truyền, giới thiệu về Vườn quốc gia Hoàng Liên chưa thực sự hiệu quả? Tất nhiên có một phần lo ngại trong chúng ta là con người khi đến du lịch sẽ phá hỏng các cảnh quan, nhưng điều này có thể kiểm soát được tốt nếu chúng ta có các biện pháp khoa học và quyết liệt. Hiện tượng một số khách du lịch, nhất là các bạn trẻ khi đến các ngọn núi hay khu rừng tham quan đã có những hành động không đẹp, gây hư hỏng thiên nhiên như: viết, vẽ lên đá,lên cây, bẻ cành cây về làm kỷ niệm, hay chỉ là những việc xả rác ra nơi thắng cảnh v.v… xảy ra không ít. Những hành động đó tuy chỉ xảy ra ở một số cá nhân nhưng lại gây ra hậu quả không nhỏ cho Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Dù rằng chúng ta phải có những biện pháp quản lý, giám sát không để những hành động không đẹp này xảy ra, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân Việt Nam. Sở dĩ tôi nói là người dân Việt Nam vì những khách du lịch nước ngoài, nhất là khách đến từ Châu Âu thường lịch sự và rất có ý thức giữ gìn cảnh quan. Vừa rồi có vụ một người khách du lịch Tây nhắc nhở các bạn ta về ý thức giữ gìn di sản thiên nhiên, làm nhiều người giật mình và xấu hổ cho ý thức của thanh niên ta. Sự thật mất lòng này không ai có thể hoàn toàn phủ nhận cả. Với các nhà hoạch định chính sách và những người có trách nhiệm ở Vườn quốc gia Hoàng Liên hẳn rất rõ điều đó và đang ra sức thực hiện những giải pháp khắc phục vấn đề này, nhưng điều đau lòng ở đây là việc những hệ động thực vật phải qua hàng ngàn năm mới hình thành được, mà chỉ trong vài giây ngắn ngủi nó đã bị xâm hại chỉ vì sự vô ý thức của ai đó. Đó là những thực trạng nhức nhối không chỉ của Vườn quốc gia Hoàng Liên mà còn tồn tại ở nhiều Vườn quốc gia khác ở Việt Nam và trên thế giới.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Câu chuyện về bảo vệ các Vườn quốc gia đã được nhắc đến trong nhiều năm qua, kể từ khi thế giới dành sự quan tâm và đánh giá cao các Vườn quốc gia ở Việt Nam. Tất cả vẫn được quy về một mối, đó là ý thức của con người.
Để giải quyết tình trạng Vườn quốc gia Hoàng Liên bị tổn hại, chúng ta không nên chỉ thực hiện những biện pháp bảo vệ tại chỗ, mà phải tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ và phát huy giá trị của Vườn quốc gia Hoàng Liên cho mọi người, nhất là thanh thiếu niên. Có như vậy thế hệ người Việt tương lai mới có thể trở thành thế hệ sống tốt với thiên nhiên. Chúng ta phải chủ động giáo dục giới trẻ tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của Vườn quốc gia Hoàng Liên, tuyệt đối không được phá hại bất cứ thứ gì thuộc về thiên nhiên. Để làm thay đổi nhận thức của một người là vô cùng khó, nhưng đối với thế hệ trẻ thì chúng ta có thể làm được vì chúng ta giáo dục con người ngay từ lúc nhỏ để hình thành thói quen tốt:”Biết bảo vệ và không xâm hại các thắng cảnh tự nhiên”.
Việc giáo dục thế hệ trẻ cũng cần sự chung tay góp sức của gia đình, trường học và tất nhiên không thể thiếu được tác động quan trọng của các phương tiện truyền thông. Nên đưa tiết học về bảo vệ di sản thiên nhiên vào trong các môn học như sinh vật, địa lý. Ngoài ra nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích theo hướng “học mà chơi” cho học sinh để các em dễ tiếp thu và có hứng thú. Gia đình và phụ huynh cũng là nhân tố quan trọng trong việc giáo dục con cái có ý thức bảo vệ di sản thiên nhiên. Trẻ em rất cần sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ thường xuyên của gia đình. Gia đình cần tạo môi trường thuận lợi để các em thực hành, rèn luyện thói quen tốt như không xả rác gây ô nhiễm môi trường, không bẻ cành, hái hoa, không “tiện tay nghịch ngợm” phá hại cảnh quan thiên nhiên. Trước hết, mỗi người lớn trong gia đình phải làm gương, để trẻ học và làm theo. Có như vậy, một con người có ý thức tốt mới được hình thành.
Thời gian vừa qua, không ít lo lắng từ dư luận về những vấn đề của di sản Vườn quốc gia Hoàng Liên. Không thể phủ nhận những biện pháp tích cực mang tính quyết định của các nhà quản lý để bảo vệ tốt hơn cho Vườn quốc gia Hoàng Liên, nhưng dường như chúng chưa đủ để thực sự “bảo vệ” tốt nhất trước những kẻ săn trộm động vật quý hiếm, những tay “lâm tặc” khai thác gỗ trái phép và những người dân mù quáng tin vào những kẻ xúi giục khai thác đá. Hàng ngày, hàng giờ, thềm rừng, thềm núi lại mòn đi một ít, gây không ít nguy hiểm cho Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Từ khi Vườn quốc gia Hoàng Liên trở thành Vườn Di sản ASEAN, giá trị của những rừng cây, những loài động vật quý hiếm ở đây được nhiều người biết đến hơn, và tất nhiên giá trị của chúng cũng trở nên tăng vọt trên “chợ đen”. Vườn quốc gia Hoàng Liên trở thành nơi kiếm tiền cho những kẻ muốn làm giàu bất chính. Tuy các cơ quan chức năng của Vườn quốc gia Hoàng Liên đã cố gắng hết sức, nhưng nơi đây vẫn tiềm ẩn nguy cơ cho các hành động phi pháp. Vấn đề này trở thành quan trọng cấp quốc gia rồi, không chỉ đổ hết trách nhiệm cho địa phương mà cả xã hội cần phải tích cực hành động hơn nữa để bảo vệ tốt Vườn quốc gia Hoàng Liên trước những tác nhân gây hại.
Bài, ảnh: Đinh Thành Trung