BVR&MT – Nỗ lực giảm thiểu rác thải, đặc biệt rác thải nhựa tại Hà Nội, ngày 08/11, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) và Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa – Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân”.
Hội thảo tập trung chia sẻ những kinh nghiệm của quốc tế và Hà Nội cũng như những thực hành của các nhóm doanh nghiệp, tổ chức, và cá nhân trong trong quản lý và giảm thiểu rác thải.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết: Ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi thói quen của người dân sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần ngày càng tăng. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Cũng theo bà Lưu Thị Thanh Chi, hiện nay, TP. Hà Nội phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đặc biệt ô nhiễm do rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng khiến chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, những năm gần đây, Hà nội đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chương trình hành động để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa, hướng đến tiêu dùng bền vững.
Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 – 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 – 8%. Chỉ tính riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải phải sự chung tay, cam kết mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các tỉnh thành và các thành phố trong khu vực để giảm thiểu vấn nạn này. Những năm gần đây, chứng kiến nỗ lực không ngừng nghỉ của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các hành động xanh vì môi trường, ngày 4 tháng 6 năm 2019, 41 Đại sứ quán và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã cùng thông qua việc ký kết Quy tắc Ứng xử nhằm giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa nhằm kêu gọi một quy tắc chung trong các hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích các bên liên quan cam kết thực hiện và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam cho thế hệ tương lai. Thông qua hành động này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Bộ TN&MT cho rằng, cần có cơ chế chính sách có sự đồng bộ từ việc thu gom, tái chế. Đồng thời, khuyến khích các công nghệ xử lý biến rác thải thành tài nguyên, tăng cường tái chế tái sử dụng, đồng bộ từ gia đình đến doanh nghiệp. Cùng với đó, quan tâm tới công nghệ xử lý chất thải nhựa, công nghệ sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng. Nhất là nâng cao nhận thức người dân, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, với cam kết trách nhiệm xã hội, đã bắt đầu thực hành quản lý và hạn chế rác thải nhựa. Các doanh nghiệp xã hội cung cấp sản phẩm thay thế để hạn chế rác thải trong tiêu dùng và thực phẩm sạch không chất độc hại như Xanh Shop, Sạp hàng chàng Sen, Trạm Refill Station… đã đi vào cuộc sống.
Những doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm xanh, mà còn góp phần truyền tải đi thông điệp tốt đẹp và giúp việc này trở nên gần gũi và có thể thực hành mỗi ngày.
Điển hình như sáng kiến môi trường toàn diện “Sứ mệnh xanh”, bắt đầu từ mục tiêu giảm tác động môi trường và xây dựng cộng đồng xanh, kết nối trực tiếp với các tiêu chí quản lý và phát triển chiến lược Môi trường, Xã hội và Quản trị, đại diện khách sạn Fortuna chia sẻ, thông qua việc thực hiện các biện pháp giảm chất thải nhựa đã giảm được 238.860 chai mỗi năm, 73.000 ống hút nhựa và giảm 36.648 kg túi nhựa mỗi năm.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng tới tính bền vững của nhựa, bà Elsbeth Akkerman – Đại sứ Vương Quốc Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, tuổi thọ của các sản phẩm nhựa dùng một lần tính bằng ngày, bằng giờ; song chúng lại mất rất lâu để phân hủy. Chưa kể, chi phí xử lý các sản phẩm nhựa còn lớn hơn rất nhiều so với làm ra chúng.
“Hà Nội luôn tìm kiếm các giải pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa gây ra. Mỗi hành động của chúng ta đều có giá trị riêng, hãy chia sẻ tầm nhìn và sự hiểu biết để hướng đến mục tiêu chung là giải quyết vấn đề rác thải nhựa” – Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman kêu gọi.
Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu bao gồm chính quyền thành phố Hà Nội, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế từ Đức, Hà Lan, Pháp và đại diện một số mô hình quản lý rác thải từ các địa phương (Huế, Hội An) tham dự.
Tại hội thảo các kinh nghiệm, sáng kiến từ quốc tế, địa phương cho các nhóm chính quyền, doanh nghiệp và người dân cũng được chia sẻ để truyền cảm hứng, thiết lập mạng lưới và cam kết hành động vì một thành phố nói KHÔNG với chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon.
Thạch Thảo