BVR&MT – Từng mấp mé bờ vực tuyệt chủng với các quần thể nhỏ bị chia cắt nằm rải rác khắp đất nước, vẹt đào hang Chile (Cyanoliseus patagonus bloxami) đã gia tăng mạnh mẽ số lượng quần thể nhờ nỗ lực phục hồi không mệt mỏi của Chile.
Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 1986 khi chàng sinh viên chuyên ngành thú y Cristián Bonacic tới vùng Río de los Cipreses để nghiên cứu loài lạc đà Guanaco (Lama guanicoe) nhưng về sau chuyển hướng sang loài vẹt đào hang (Cyanoliseus patagonus bloxami) vì chúng dễ phát hiện hơn. Dù vậy, Bonacic cũng chỉ ghi nhận được 217 cá thể so với ước tính 3.300 cá thể của Tập đoàn lâm nghiệp quốc gia (CONAF) trên toàn phạm vi Chile. Cùng trong năm này, Río de los Cipreses được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên và Cristián Bonacic quyết định đi theo con đường bảo tồn động vật hoang dã với việc khởi thảo Chương trình bảo vệ toàn diện vẹt đào hang – một trong những chương trình bảo tồn thành công nhất ở Chile. Sau 35 năm, quần thể vẹt đào hang tại Río de los Cipreses tăng gấp 20 lần so với số lượng ban đầu, chạm mốc 4.478 cá thể.
Từ những mối đe dọa chính…
Vẹt đào hang sống thành đàn và đào tổ ở các khe núi hoặc sườn đồi dọc theo các lưu vực sông và vực nước. Mỗi cặp sẽ đào hầm trong những bức tường đất sâu khoảng 3 m để kiến tạo một buồng ấp trứng sạch và mịn – nơi chúng ra vào suốt mùa giao phối từ tháng 9 đến tháng 2.
Bonacic hiện là giám đốc phòng thí nghiệm Fauna Australis tại Đại học Công giáo Chile, đơn vị chuyên điều tra và giải quyết các thách thức liên quan đến bảo tồn, quản lý động vật hoang dã. Ông chia sẻ rằng “để đếm số lượng vẹt, chúng tôi phải nấp ở nửa hang lúc bình minh và lần lượt đếm xem bao nhiêu cá thể rời tổ và bao nhiêu quay trở lại lúc hoàng hôn”.
Cyanoliseus patagonus bloxami là loài đặc hữu của Chile, không thể tìm thấy trong môi trường tự nhiên ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, là loài lớn nhất trong số bốn loài vẹt bản địa của Chile, quần thể giảm tới 72% và tuyệt chủng ở một số khu vực do mất môi trường sống từ hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi; săn bắn; cá thể non bị buôn bán làm thú cưng. Chúng sở hữu bộ lông màu ô liu, ngực vàng, đôi cánh xanh lam, lại thông minh nên trở thành mục tiêu hấp dẫn của nạn buôn bán vật nuôi, nhất là với các nhạc công đường phố vốn thường chơi đàn organ cùng một chú vẹt song hành trên vai đã được huấn luyện. Mặc dù luật cấm săn bắt và buôn bán một số loài động vật hoang dã bao gồm vẹt đào hang có hiệu lực từ năm 1972 nhưng loài vẫn bị đe dọa nghiêm trọng. CONAF khi đó đã bắt tay xây dựng kế hoạch bảo tồn quốc gia đầu tiên cho loài động vật này cũng như phát triển chiến lược ngăn nạn tuyệt chủng.
… đến kế hoạch phục hồi chậm nhưng xứng đáng
Kế hoạch phục hồi bắt đầu bằng việc Río de los Cipreses trở thành khu bảo tồn quốc gia bảo vệ 3 đàn vẹt ở lưu vực sông Cachapoal suốt ngày đêm, rồi vẹt đào hang được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ quốc gia và sau cùng là một luật mới về săn bắt hoàn toàn nghiêm cấm việc bắt vẹt đào hang, bao gồm việc săn trứng và chim non. Ngoài ra, các hoạt động gây mất môi trường sống trong khu bảo tồn cũng được kiểm soát, những trang trại chăn nuôi hàng nghìn con được di dời, loại bỏ áp lực từ việc chăn thả, giúp thảm thực vật bản địa dần phục hồi. Kết quả là 3.000 ha rừng và cây lá cứng bao gồm một số loài là thức ăn của vẹt vốn bị đe dọa nghiêm trọng ở miền trung Chile nay được phục hồi và phát triển. Càng vui hơn khi vẹt non dần trưởng thành trong môi trường tự nhiên và sinh sôi liên tục, một số thậm chí tách riêng để lập đàn mới với 11 đàn vẹt vào năm 2011 và hiện có 15 đàn trong khu bảo tồn cùng 2 đàn ngoài khu. Theo CONAF, năm 2017 có 3.500 cá thể và hiện con số này đã tăng lên 4.478 cá thể, giúp vẹt đào hang thoát khỏi danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng dễ bị tổn thương ở khu vực nam trung tâm theo phân loại của Bộ Môi trường. Riêng ở miền bắc Chile, mặc dù số lượng vẹt cũng tăng nhưng vẫn có nguy cơ tuyệt chủng.
Hành trình bảo tồn chưa dừng lại
Đồng hành cùng vẹt là toàn bộ người dân xung quanh khu bảo tồn Río de los Cipreses – những người phối hợp chặt chẽ với cán bộ kiểm lâm để bảo tồn các loài hoang dã. Đáng chú ý là các trường học lân cận đều đưa các loài hoang dã trong khu vực bao gồm vẹt đào hang vào chương trình giảng dạy từ năm 2017 – 2027 cho học sinh từ 5 đến 12 tuổi. Ngoài ra, khu bảo tồn phối hợp tổ chức các hội thảo, sự kiện trực tuyến, giúp học sinh thảo luận về tầm quan trọng của thiên nhiên, các loài xâm lấn, hỏa hoạn, biến đổi khí hậu, gia súc và vật nuôi… cũng như tham gia các hoạt động làm sạch đường phố, viết truyện, tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực.
Một trong những lo ngại hiện nay là nguồn thức ăn bên ngoài khu bảo tồn dành cho vẹt biến mất nhiều khiến loài vật này dần thay đổi chế độ ăn uống bằng các loại quả do nông dân trồng như óc chó và hạnh nhân – dù thiệt hại mùa màng mà vẹt tạo ra chỉ khoảng 1%, theo ước tính Cơ quan nông nghiệp và chăn nuôi (SAG). SAG khuyến nghị các biện pháp ngăn vẹt phá hoại cây trồng như: tuần tra trang trại vài giờ một lần hoặc trồng thảm thực vật và cây bản địa xen canh cây trồng, giữ nguyên những ngọn đồi hiện có trong trang trại để tạo không gian cho vẹt. Nhà sinh vật học Jessica Barría, Phòng thí nghiệm cổ sinh vật học tại Đại học Austral, Chile cho rằng “động vật hoang dã cần thuộc về phạm vi rộng lớn hơn các vườn quốc gia, bằng không chúng sẽ bị tuyệt chủng vì không có kích thước quần thể thích hợp cùng sự biến đổi gen để thích nghi với điều kiện môi trường”.
Thùy Dung (Theo mongabay)