BVR&MT – Sau nhiều năm phát hiện, bảo vệ đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện nay đường đến rừng pơ mu di sản ở tại xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã dễ dàng hơn rất nhiều, ô tô đến tận cửa rừng. Quần thể pơ mu sau khi được phát hiện đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nghiên cứu, đánh giá… công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Anh Bríu Nghị, người dẫn đường cho nhóm Phóng viên thăm rừng pơ mu ngàn tuổi vui vẻ kể: “Từ khi cấp trên chỉ đạo phát quang gốc, đánh dấu, đánh số, không cho dân vào khai thác, bảo vệ rừng tốt hơn, không cho ai đem cây mục, cây chết về, lúc nào cũng có 5 người bảo vệ ngày đêm ở đây, từ đó không ai phá rừng già này”.
Rừng pơ mu ngàn tuổi, hùng vỹ với những dáng hình khác nhau, theo anh Nghị thì rất nhiều cây đã được đặt tên theo hình thù của gốc như cây ngũ hổ, cây voi, cây rồng, cây ếch…những cây pơ mu ở đây cao hàng chục mét, đường kính phần lớn từ 1 – 2m, bên dưới tán lá rừng những cây con đang vươn mình phát triển.
Được biết, ngoài tinh thần gìn giữ và bảo vệ rừng của chính người dân thì chính quyền địa phương đã có những cách làm hay như tuyên truyền vận động người dân tự giác giao nộp cưa máy về cho xã quản lý, rồi lập ra tổ tự quản bảo vệ rừng, ai phá rừng sẽ bị xử phạt theo luật tục và pháp luật. Đó là một trong những lý do khiến rừng nơi đây còn nguyên vẹn.
Huyện Tây Giang có hơn 60 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích, với nhiều loại cây gỗ quý hiếm như rừng gỗ lim khoảng 250ha, rừng đỗ quyên cổ thụ mới được phát hiện khoảng 430ha, cùng đa dạng về hệ động thực vật quý hiếm còn sót lại trên dãy Trường Sơn. Riêng khu rừng di sản pơ mu khoảng 4.000 ha có trên 2.000 cây. Trong đó 725 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang – cho biết: “Rừng pơ mu thì giá trị của nó một cách kỳ vỹ, bởi vì các cây cổ thụ trên ngàn năm, có cây đã khoan được và có tuổi thọ 1.832 năm, những cây cổ thụ như thế này chắc chắn rất là hiếm, chúng tôi đắn đo và suy nghĩ nếu không quản lý tốt một ngày nào đó mất vài cây đó là một tội ác, cần giữ và quảng bá cho bạn bè khắp năm châu đến chiêm ngưỡng, có tới đây thì rõ ràng người dân tại chỗ có nguồn thu nhập, và quản lý bảo vệ rừng sẽ dễ hơn, vì nhiều người vào đó không thể nào lâm tặc phá được, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mong rằng Chính phủ và tỉnh Quảng Nam hãy lưu tâm về cánh rừng pơ mu còn lại của chúng ta…”.
Một số hình ảnh do phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường ghi nhận:
Văn Hoàng – Xuân Mạc